[In trang]
Điểm tin ngành Công Thương ngày 06/10/2017
Thứ sáu, 06/10/2017 - 17:24
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương: Sửa “phiên bản lỗi” quy hoạch, giải bài toán năng lượng.
Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn-Hiệu quả-Bền vững” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 5-10, tại Hà Nội thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, quản lý trong và ngoài nước. Hội thảo góp thêm một nỗ lực của Bộ Công Thương trong giải bài toán điện đang đặt ra ngày càng cấp bách.
Đánh giá rất cao việc Bộ Công Thương cùng các ngành, địa phương đã rà soát cắt giảm tới gần 500 dự án thủy điện, song PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ vẫn cho rằng, tiềm năng thủy điện của Việt Nam vẫn còn, chúng ta có những lợi thế thì cần nên khai thác, phát triển. Việc Quốc hội đã quyết định xóa bỏ hàng trăm dự án thủy điện không phải là lỗi của bản thân các dự án thủy điện mà do cách làm, do cơ chế, chính sách. Một thời, chúng ta cho phát triển ồ ạt các dự án thủy điện, không có quy hoạch nên tác động lớn đến môi trường sinh thái và hiệu quả. Cho nên cần phải có cách làm, có mô hình mới, bền vững hơn, an toàn hơn.
Bày tỏ sự lo ngại ô nhiễm từ các dự án điện than “có thể dẫn đến thảm họa”, PGS, TS Trần Đình Thiên khuyến nghị, Bộ Công Thương cần khơi dậy các dự án thủy điện nhỏ và vừa, cần làm cụ thể, sàng lọc một cách khoa học.
2. Phê duyệt Đề án xử lý tồn tại, yếu kém một số dự án ngành Công Thương.
Các báo đồng loạt đăng tải thông tin: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước. Trong đó, trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện; đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp. 
Về các giải pháp chung, sẽ giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với đối tác.
Bên cạnh đó, xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo điều kiện về phát triển thị trường một số sản phẩm công nghiệp, trong đó có sản phẩm của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
3. Doanh nghiệp nữ khó tiếp cận thương mại điện tử.
Các bài viết tập trung phản ánh những vấn đề được nêu tại hội thảo APEC về tăng cường thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) nữ thông qua thương mại điện tử. Phát biểu trong phần hỏi đáp tại hội thảo trong khuôn khổ APEC về tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thương mại điện tử (e-commerce), Chủ tịch Hội Nữ Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa thành phố Hà Nội Mai Thị Thùy nói, rằng hội viên của hội này “thiếu nhiều thứ”. “Chúng tôi thiếu về cơ hội kết nối internet, trình độ sử dụng thương mại điện tử và thiếu vốn và khuôn khổ chính sách cũng đang thiếu cho doanh nghiệp do nữ làm chủ”. Bà Thùy cũng mô tả điều bà gọi là ở Việt Nam vẫn còn sự “phân biệt đối xử” giữa doanh nghiệp nam và doanh nghiệp nữ cũng như doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.
Hội đồng nữ doanh nhân hiện đang nghiên cứu doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận thương mại điện tử ra sao, nghiên cứu có định tính, định lượng để kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp nữ.
4. Cận cảnh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Báo Tiền Phong đã tổng hợp một số các vấn đề tồn tại hiện đang gây chú ý tại dự án này.
Cụ thể, bài báo đưa nội dung của báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2006 chỉ ra một số sai phạm trong thanh – quyết toán của Dự án. Đồng thời, cũng nhấn mạnh một số sai phạm trong quản lý tài chính của dự án này hiện đang được cơ quan chức năng điều tra (PVC đã sử dụng nguồn vốn tạm ứng cho dự án này sai mục đích, dẫn đến việc vừa qua cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố đối với một số bị can thuộc đơn vị này).
Ngoài ra, bài báo cũng nhắc tới vụ việc lùm xùm trong việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu “Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt” cho Dự án. Vụ việc này đã nhận được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát và làm rõ các vấn đề xoay quanh gói thầu này. 
5. Nóng chính sách hỗ trợ DN Việt tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập”, do Bộ Công thương tổ chức ngày 6-10 tại Hà Nội, qua hơn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc đưa các doanh nghiệp nước nhà tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xác định được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công thương xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Những khó khăn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và thiếu tính liên kết chính là những rào cản lớn đối với đa số doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xây dựng những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thức và dễ áp dụng vào đời sống, qua đó giảm tối đa các thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia chuỗi cung ứng.
LH (Nguồn VP Bộ CT)