Điểm tin ngành Công Thương ngày 05/10/2017
Thứ năm, 05/10/2017 - 17:00
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.
Trên các báo ra ngày 04 và 05/10 đưa thông tin: Chiều 4.10, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị 13/CT – BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng.
Theo đó, Bộ chỉ rõ thời gian qua tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG bị chiếm dụng được cắt tai, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường gây mất an toàn về phòng, chống cháy nổ và đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng vẫn diễn ra, có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn.
Vì vậy để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG, ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong kinh doanh LPG, góp phần ổn định thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội gas Việt Nam, các cơ sở kinh doanh LPG, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ.
2. Nhiều tín hiệu tích cực với xuất khẩu gạo.
Khác với tình hình ảm đạm năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, từ tháng 5 đến nay, xuất khẩu gạo bắt đầu tăng trưởng trở lại. Số hợp đồng xuất khẩu gạo tăng đáng kể. Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 9 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu khoảng 4,57 triệu tấn gạo, tăng 20,8% về lượng và hơn 18,6% về giá trị (tương đương 2,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Với mục tiêu xuất khẩu 5,7 triệu tấn trong năm 2017, đến nay ngành lúa gạo đã đạt được gần 82% kế hoạch đề ra trước đó...
Bộ Công Thương nhận định, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gạo sẽ ổn định bởi một số thị trường đang tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Có thể nói, việc xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay vẫn luôn trong tình trạng bị động, chạy theo thị trường. Việc có thêm nhiều thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đồng nghĩa với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tuân thủ quy định từ nhiều thành phần đối tác.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, các thị trường như Philippines, Bangladesh... đang có nhu cầu mua thêm gạo nên sẽ có thêm những đợt đấu thầu bán gạo mới. Tuy nhiên, các đợt đấu thầu này sẽ chuyển từ đấu thầu hợp đồng chính phủ (tập trung với giá sàn cao, mang lại lợi nhuận cho ngành gạo Việt Nam) sang đấu thầu thương mại. Đấu thầu thương mại sẽ có nguy cơ giá trúng thầu thấp hơn giá sàn do đối tác đưa ra, không có lợi cho ngành gạo Việt Nam. Vì vậy, cần hết sức cẩn trọng, lưu ý những điều khoản trong các hợp đồng đấu thầu sắp tới; đặc biệt, cần nâng cao tính chủ động trong các hoạt động xuất khẩu gạo...
Các chuyên gia dự báo, tới đây, áp lực cạnh tranh trong xuất khẩu sẽ ngày càng mạnh mẽ, khốc liệt... bởi thế giới đang có xu hướng tăng các nước xuất khẩu trong khi các nước nhập khẩu dần tự túc lương thực. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu về gạo sẽ giảm.
3. Có nên mở cửa cho PVN tái đầu tư dự án xơ sợi 7.000 tỉ đồng đang 'đắp chiếu'?.
Liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ PVTex, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã có cuộc gặp riêng với một số đối tác để bàn về việc có nên tái khởi động dự án 7.000 tỉ đồng "đắp chiếu" suốt thời gian qua hay không?
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, hiện nay việc giữ thuế suất thuế nhập khẩu 2% sản phẩm xơ là sự khó khăn đối với các doanh nghiệp sợi, nhưng vì Nhà máy xơ sợi Đình Vũ được đầu tư rất lớn, nằm trong kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, nên việc áp thuế nhập khẩu xơ 2% là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài cho ngành dệt may.
Theo ông Cẩm, sản phẩm xơ polyester có rất nhiều thuận lợi, từ thị trường đến kỹ thuật công nghệ, nhưng để có sản phẩm phù hợp, giá cả, chất lượng đảm bảo thì nhà máy vẫn chưa đạt được như mong muốn. Cụ thể, giá bán sản phẩm của Đình Vũ trước đây luôn cao hơn so với giá sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu. Chính vì vậy, cạnh tranh về giá sẽ rất khó khăn.
Với dự án này, Bộ Công Thương cho biết tình trạng hiện tại vẫn còn hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại. "PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên của tập đoàn (PVFCCo, PVCFC, BSR) đến hỗ trợ PVTex rà soát, đánh giá thực trạng nhà máy; thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng nhà máy. Đồng thời, PVN đã thành lập tổ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, thương mại, pháp lý... từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ PVTex chuẩn bị khởi động lại nhà máy. Thời gian tới sẽ triển khai thực hiện và thông tin đầy đủ về kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ", Bộ Công Thương cho hay.
LH (Nguồn VP Bộ CT)