Điểm tin ngành Công Thương ngày 07/9/2017
Thứ năm, 07/09/2017 - 19:18
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Thế giằng co giữa Habeco và Carlsberg.
Đây là tiêu đề được đăng tải trên báo Đấu thầu số ra ngày hôm nay (07/9): Phương án thoái vốn tại công ty bia giữ thị phần số một miền Bắc vẫn chưa thực h iện do vướng mắc đàm phán với đối tác chiến lược Carlsberg.
Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để đàm phán, xử lý dứt điểm vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Habeco và Carlsberg, làm cơ sở cho phương án chuyển nhượng cổ phần. Vướng mắc giữa 2 bên, theo tiết lộ của một lãnh đạo Bộ Công Thương, chủ yếu nằm ở vấn đề giá.
Theo một số chuyên gia, một lý do khác để Carlsberg có thể tự tin "ép giá" là vị thế hiện tại của đơn vị này trong Habeco. Tuy nhiên, thế giằng co giữa Carlsberg và Habeco không hẳn chỉ nghiêng về phía nhà sản xuất bia đến từ Đan Mạch.
Nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ của Bộ Công Thương ông Phan Chí Dũng cho rằng, mức độ hấp dẫn của Habeco dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài có thể thay đổi nếu phương án thoái vốn được phê duyệt đưa ra tỷ lệ bán đủ hấp dẫn. Nếu Habeco cũng áp dụng tỷ lệ thoái vốn tương tự Sabeco theo văn bản của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp mới công bố, Bộ Công Thương sẽ bán ra gần 46% cổ phần sở hữu tại đây - một tỷ lệ đủ hấp dẫn và vượt trội hơn sở hữu của Carlsberg (nếu Carlsberg không gia tăng thêm sở hữu).
Không chỉ vậy, những động thái trên thị trường bia đang cho thấy nhà sản xuất bia đứng thứ 4 thế giới cần gia tăng sở hữu tại Habeco nếu muốn duy trì vị thế tại Việt Nam.
2. Ráo riết giải quyết 12 dự án thua lỗ.
Sau 9 tháng xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương, Nhà máy Thép Việt Trung và DAP số 2 Hải Phòng đã có lãi; một số dự án như Ethanol ở Dung Quất, Phú Thọ đã có nhà đầu tư đặt vấn đề hợp tác kinh doanh hoặc mua lại...
Chiều 06/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, vướng mắc ở 12 dự án của ngành Công Thương (Ban Chỉ đạo) - đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo, nhằm cập nhật tình hình xử lý các dự án đã được Chính phủ xác định từ cuối năm 2016.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh lãnh đạo Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng việc xử lý các vướng mắc của nhà thầu EPC ở một số dự án chưa ti ến triển nhiều; việc tái cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển và một số ngân hàng thương mại còn chậm ở vài dự án, nhà máy; một số cơ chế chính sách chưa được thực hiện kịp thời; chuyển biến của một số dự án, nhà máy còn chậm.
Để triển khai hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, doanh nghiệp từ nay tới hết quý IV/2017 tiếp tục cập nhật các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo tại các thông báo kết luận nội dung làm việc.
3. Việt Nam có thể lên nấc thang cao hơn nhờ tăng kết nối doanh nghiệp.
Báo Hải quan viết: Hai báo cáo với tiêu đề “Việt Nam trước ngã rẽ - Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” và “Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” vừa được ra mắt tại Hội thảo giới thiệu Báo cáo do Nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 7/9 tại Hà Nội cho thấy tiềm năng tăng trưởng ở các ngành trong nước nếu cải cách chính sách được tiếp tục.
“Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam về tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói. Theo ông Hải, nội dung thảo luận của hội nghị và các khuyến nghị của hai báo cáo đã chỉ ra nhiều ý tưởng về cách thức Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa DN Việt Nam và DN đầu tư nước ngoài.
4. Hai "ông lớn" điện và than chịu ngồi lại để "giải cứu" than trong nước.
Báo Dân trí cho biết: Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo về việc thương lượng giá bán than giữa bên bán (Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc và bên mua là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đạt kết quả tốt, các bên đã cam kết bán than với giá thương lượng từ ngày 1/9/2017.
Cụ thể, ngày 22/8/2017, các bên gồm TKV, Than Đông Bắc và EVN đã thống nhất được mức giá than cho sản xuất điện thời gian thực hiện từ ngày 01/09/2017. Bộ Tài chính yêu cầu các bên thực hiện giá bán than cho sản xuất điện theo đúng với thoả thuận đã được thống nhất từ ngày 1/9/2017.
LH (Nguồn VP Bộ CT)