[In trang]
Điểm tin ngành Công Thương ngày 22/8/2017
Thứ ba, 22/08/2017 - 23:20
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ, ngành vẫn còn “cài cắm” giấy phép
Đó là thực trạng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chỉ ra trong buổi kiểm tra 11 bộ, ngành về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, diễn ra hôm qua (21/8). Tại buổi kiểm tra, ông Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30-35% và Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải kéo giảm xuống còn 15%. “Thủ tướng đặt vấn đề cắt giảm chi phí không chính thức và chính thức, năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, phải quyết tâm cắt bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành có tới 58% phải thực hiện 2 - 3 lần bộ thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều bộ vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu thực trạng, một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép: 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm. Hiện nay có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một năm doanh nghiệp (DN) bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng cho việc này. Như vậy đây đang là vấn đề Thủ tướng quan tâm, đặt vấn đề phải cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến DN” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
 2. Tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa
Các chuyên gia cũng dự báo việc tăng thuế GTGT sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, vì vậy chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi người dân cắt giảm chi tiêu do giá cả tăng và từ đây cũng sẽ tác động tiêu cực đến ngân sách do tiền nộp thuế từ doanh nghiệp giảm.
3. Giảm mạnh vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn
Văn phòng Chính phủ hôm qua (21/8) cho biết Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp (DN) mà nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020. Chính phủ đang thể hiện quyết tâm “xốc lại” tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là những ông lớn. Đây là cơ hội lớn với thị trường và nhà đầu tư nhưng khả năng cổ phần hóa ngay những DN lớn sẽ không dễ, bởi số vốn lớn, quản trị và tài chính phức tạp.
Trong giai đoạn tới, cả nước tập trung cổ phần hóa các DN nhà nước rất lớn, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty phát điện, hay cổ phần hóa Tập đoàn Cao su, Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). “Đây là những DN lớn mà Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán lại kết quả định giá để tránh thất thoát vốn, tài sản”, Phó Thủ tướng Vương Đình  Huệ nói.
4.  PVN thoái vốn tại hàng loạt công ty con: “Con ngoan” mẹ sẽ khỏe? 
Trên báo Lao động ngày 21/8 có phản ánh về vấn đề PVN thoái vốn tại hàng loạt công ty con. Sau hàng loạt vấn đề, hậu quả do sản xuất kinh doanh thua lỗ tại các tập đoàn, TCty nhà nước, rõ ràng cần phải có một phương thức hiệu quả nhằm giải quyết và trút bỏ gánh nặng bù lỗ cho những đơn vị này. Một trong những bước đi ấy là mới đây, Chính phủ đã quyết định thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thua lỗ hoặc kinh doanh kém hiệu quả sẽ góp phần thu gọn và giúp PVN tập trung vào những nhiệm vụ chính. Điều đó giúp nguồn vốn nhà nước hạn chế chịu rủi ro.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thoái vốn ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn cung quá dồi dào. Đặc biệt là sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.
Đồng thời, mối lo việc thoái vốn hoặc cổ phần hóa ồ ạt tại các doanh nghiệp của PVN sẽ tạo ra những bất cập về khả năng thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.
LH (Nguồn VP Bộ CT)