Điểm tin ngành Công Thương ngày 18/8/2017
Thứ bảy, 19/08/2017 - 09:30
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Yêu cầu PVN giải đáp việc chọn gói thầu tại nhiệt điện Thái Bình II.
Sau khi báo chí phản ánh về công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu vật liệu bảo ôn và gói vận chuyển than, đá vôi tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình II, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ban lãnh đạo Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình II báo cáo những vấn đề mà báo chí nêu trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ, nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu, các quy định của pháp luật hiện hành thì xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng ngày 10/8/2017, Tổng cục Năng lượng đã có văn bản số 2110/TCNL-NĐ&ĐHN gửi PVN, đề nghị PVN báo cáo quá trình, kết quả lựa chọn nhà thầu và tình hình triển khai các gói thầu báo chí đã nêu.
Ngoài ra, PVN phải làm rõ các nội dung phản ánh, đánh giá của Báo Lao động đã đăng tải trước ngày 15/8.
2. Quảng Ninh: Hơn 1200 hộ dân bất an chờ TKV khắc phục hệ lụy khai thác than thổ phỉ.
Báo điện tử Dân trí đưa tin, Dự án có quy mô 2000 tỷ đồng xây dựng khu đô thị mới Đồi Chè tại Phường Cao Xanh, TP. Hạ Long đã 6 năm mòn mỏi chờ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khắc phục hệ lụy do khai thác than thổ phỉ và di dời dân ra khỏi vùng sụt lún.
Hiện đang là tháng cao điểm của mùa mưa bão, hơn 1200 hộ dân ở khu vực trên vẫn ngày đêm nơm nớp sống trong nỗi lo nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Nhưng dự án trên vẫn nằm im cho cây cỏ mọc um tùm, còn TKV vẫn chưa có động thái nào. Dân trí phản ánh về sự việc nêu trên, dân kêu trời, doanh nghiệp kêu chết; Đừng để dân và doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn cùng.
3. Xáo trộn bộ máy, Bộ Công Thương xóa một tổng cục, giảm nhiều đầu mối.
Trên nhiều báo điện tử sáng 19/8 đưa tin: Theo Nghị định 98 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng cao hơn trong tình hình mới, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được sắp xếp, thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị.
Bên cạnh việc Chính phủ thông qua chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương, nhiều câu hỏi đặt ra với Bộ Công Thương trong thời điểm này chính là việc cơ cấu mới có giúp làm giảm số cán bộ công nhân viên chức, người lao động? Việc tái cơ cấu bộ máy Bộ Công Thương có giúp tăng tính hiệu quả của các đơn vị cũng như tiết kiệm được tiền cho ngân sách nhà nước? Cùng đó, các lãnh đạo các cục vụ sau khi sát nhập có dôi dư và sẽ được xắp xếp lại thế nào cho các đơn vị mới cũng là câu hỏi được đặt ra.
4. PVN sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Tổng công ty xây lắp dầu khí.
Trên nhiều báo ra ngày hôm nay đưa thông tin, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có văn bản phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Văn phòng Chính phủ hôm qua (17.8) cho hay Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có văn bản phê duyệt danh mục doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, Chính phủ quyết định giữ nguyên các DN sau như hiện nay, gồm: công ty mẹ - PVN tiếp tục là Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam (NASOS), Trường cao đẳng Nghề dầu khí.
LH (Nguồn VP Bộ CT)