[In trang]
Vai trò của công đoàn trong các doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu
Thứ ba, 07/01/2014 - 13:16
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt, tất yếu dẫn đến sự biến động các cơ sở sản suất cả về tổ chức, cơ cấu, cũng như loại hình doanh nghiệp và chủ sở hữu. Đặc biệt đối với nước ta trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế, thì sự biến đổi doanh nghiệp và sự thay đổi cơ cấu cũng như sở hữu doanh nghiệp tất yếu sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Khi các doanh nghiệp có sự thay đổi, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động, đến tổ chức hoạt động công đoàn.


Ngày nay, do tác động mạnh của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn kinh tế đang bộc lộ những yếu kém trong tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, việc làm đời sống của công nhân không đảm bảo. Trước thực trạng trên, Đảng, Nhà nước ta đang tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương tái cơ cấu các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động góp phần đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang tiến hành rà soát lại các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh đoanh, tiến hành tổ chức lại sản xuất, sắp sếp lại lao động, cổ phần hóa những doanh nghiệp, tập đoàn không thuộc lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện chủ trương trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống của nhiều người lao động.

Công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của công nhân, lao động, người đại diện duy nhất, quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động. Nhưng ở một số công đoàn cơ sở các doanh nghiệp tái cơ cấu, sáp nhập còn lúng túng trong tổ chức, hoạt động, dẫn đến chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động chưa được đảm bảo, quan hệ lao động có những diễn biến phức tạp... ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến việc làm, đời sống người lao động, người sử dụng lao động chưa thực sự thấy rõ vai trò của công đoàn, nên cũng chưa thực sự cộng tác, tạo điều kiện để công đoàn hoạt động.

Trước yêu cầu của hoạt động công đoàn ở các doanh nghiệp tái cơ cấu, công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cần tập trung hoạt động vào các nội dung chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nhận thức rõ, việc làm thu nhập của họ phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Người lao động trong doanh nghiệp muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao thì trước tiên phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, phải lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao để doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Công đoàn cần tuyên truyền, vận động để người lao động nhận thức rõ sự đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự cần thiết phải tái cấu trúc các doanh nghiệp. Trước tiên là các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế. Trên cơ sở đó để công nhân, lao động tích cực chủ động ủng hộ chủ trương tái cơ cấu các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.

Hai là, công đoàn cần chủ động xây dựng quan hệ hợp tác tin cậy với người sử dụng lao động, linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo, nhưng phải giữ vững nguyên tắc trong quan hệ, để xây dựng mối quan hệ bình đẳng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để công đoàn, người sử dụng lao động và cả người lao động thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ vì quyền lợi ích người lao động, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội. Công đoàn phải bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng thiết thực nhằm tập hợp trí tuệ của CNVCLĐ tham gia với chủ doanh nghiệp về các phương án khắc phục mọi khó khăn, tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đưa doanh nghiệp phát triển, nhằm, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo quyền lợi ích người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích xã hội.

Ba là, cần chủ động đề ra các nội dung phương pháp hoạt động công đoàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chủ động tham gia với chủ sở hữu, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các chế độ chính sách đối với người lao động. Khi phải tái cấu trúc doanh nghiêp, sắp xếp lại lao động, công đoàn cần đề xuất phải tiến hành dân chủ, công khai bàn bạc với người lao động, dân chủ công khai các chính sách đối với những người lao động phải sắp xếp lại, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, vì sự phát triển của doanh nghiệp vì quyền, lợi ích của đoàn viên và người lao động. Trường hợp thấy cần thiết phải thương lượng, ký kết lại thỏa ước lao động tập thể, thì công đoàn cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức cho người lao động tham gia xây dựng dự thảo thỏa ước, đại diện người lao động thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể sao cho có nhiều điều khoản quy định trong thỏa ước có lợi cho người lao động hơn
so với quy định của pháp luật.

Bốn là, công đoàn cần chủ động vận động tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất với các nội dung thiết thực cụ thể nhằm khơi dậy mọi tiềm năng của CNVCLĐ, lao động, sản xuất với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, để doanh nghiệp chiến thắng trong cạnh tranh, đảm bảo việc làm, thu nhập của
người lao động.

Năm là, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ và tạo điều kiện để người lao động học tập nâng cao trình độ học vấn chuyên môn nghề nghiệp, giỏi một nghề, biết nhiều nghề để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và để khi doanh nghiệp thay đổi sở hữu, thay đổi cơ cấu người lao động vẫn có cơ hội, điều kiện có việc làm đảm bảo thu
nhập.

Sáu là, tuyên truyền vận động người lao động ra nhập, tham gia hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh; đẩy mạnh các hoạt động xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo việc làm, thu nhập và các quyền, lợi ích khác của người lao động không ngừng tăng lên.

Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, ngày nay càng có vai trò hết sức quan trọng, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với công đoàn cơ sở. Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện chủ trương tái cấu trúc, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ công đoàn cơ sở trong việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sắp sếp đội ngũ cán bộ CĐ, đặc biệt là cần hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ CĐCS nắm được các chính sách, pháp luật, nắm được nội dung, phương pháp hoạt động, để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng của người lao động, xây dựng quan hệ giữa công đoàn với người sử dụng lao động, để hoạt động của công đoàn cơ sở góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo việc làm thu nhập của người lao động ổn định. Để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ trên, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải thực sự là thủ lĩnh của đoàn viên, CNVCLĐ cả về trình độ lý luận nghiệp vụ công tác công đoàn, về am hiểu chính sách pháp luật và phương pháp vận động, tổ chức quần chúng hoạt động, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và uy tín với quần chúng, có phương pháp vận động tổ chức quần chúng hoạt động và phương pháp đàm phán, thương lượng.

Do vậy, các cấp công đoàn cần đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn cơ sở, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp cao, nắm chắc các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, pháp luật doanh nghiệp và công đoàn, nắm chắc các nguyên tác, phương pháp hoạt động và tình hình thực tế của doanh nghiệp và có kỹ năng đàm phán, thương lượng với giới chủ.

Dương Văn Sao
Trường Đại học Công đoàn