[In trang]
Điểm tin ngành Công Thương ngày 26/6/2017
Thứ hai, 26/06/2017 - 19:21
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh- thông tin
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh- thông tin cụ thể như sau:

1. Đề xuất phát triển công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương: Hồi sinh giấc mơ ô tô Việt.

Báo Tiền phong đưa tin, cùng với việc Bộ Công Thương đưa ra 3 nhóm giải pháp chính nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 942 sửa đổi, bổ sung Danh mục Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, áp dụng từ 24/5/2017. Đây được xem là một trong những động thái nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Cùng đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ và Quốc hội áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế nhập khẩu đối với xe bán tải (Pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe con dưới 9 chỗ, đồng thời tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải. 

Về 3 nhóm giải pháp chính nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp (DN) nội địa rất hoan nghênh việc Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với linh kiện, phụ tùng ô tô; điều chỉnh các chính sách thuế TTĐB; thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31/12/2022 theo hướng: không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước... Theo hướng này, DN nào càng sử dụng nhiều linh kiện trong nước, đầu tư máy móc hiện đại càng có lợi.

2. 'Sóng ngầm' xuất khẩu gạo

Tạo ra thế độc quyền trong xuất khẩu gạo cho 2 “ông lớn”, ép các doanh nghiệp khác không ngừng xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đang gây nên làn “sóng ngầm” trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận xét: “VFA là một tổ chức nghề nghiệp, không phải tổ chức chính quyền nhưng được trao quyền quá lớn. Họ được quyền xét, cấp quota xuất khẩu gạo cho DN thành ra lạm quyền. VN đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và bây giờ là xu hướng tự do thương mại. Các ngành chức năng nên tăng cường kiểm soát về mặt chất lượng thay cho quota như hiện nay. Nghị định 109/2010 về việc kinh doanh xuất khẩu gạo đã lỗi thời, cần nhanh chóng sửa đổi theo hướng mở để DN tự do kinh doanh”.
LH (Nguồn VP Bộ CT)