Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh- thông tin cụ thể như sau:
1. Tồn 9,3 triệu tấn than, vẫn nhập than.
Báo Phụ nữ News phản ánh: Trong khi Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) còn đang tồn kho 9,3 triệu tấn than, làm 4.000 lao động có nguy cơ mất việc, thì trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than. Phải chăng chất lượng than của Việt Nam không đạt, giá cao nên buộc các nhà máy nhiệt điện đốt than phải nhập hay còn vì lý do gì khác?
Có nhiều con số “biết nói” liên quan đến ngành than cần đáng lưu tâm. Nhất là khi ngành này còn tồn tại những nghịch lý khi than đá nhập khẩu vẫn tăng mạnh về giá trị, còn xuất khẩu thì tăng mạnh trở lại về số lượng trong bối cảnh hàng triệu tấn than đang tồn kho gây áp lực lớn cho ngành than nội địa.
Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân mấu chốt là do giá than trên thế giới, chẳng hạn như Indonesia, đang rẻ hơn Việt Nam do chi phí sản xuất thấp hơn, công nghệ cao hơn. Lượng nhập khẩu than tăng đột biến cũng được cho là do thuế nhập khẩu than hiện bằng 0%. Do đó, với mức tăng chi phí đến 10.000 tỷ đồng mà tổng giám đốc TKV thổ lộ thì rõ ràng giá than của Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh nổi với than nhập khi giá thành trong nước cao hơn giá nhập khẩu.
Nguyên nhân làm gia tăng chi phí than nội địa là vì các mỏ than khai thác của TKV hiện giờ đa phần ở dưới sâu, thậm chí âm 300m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than trong nước.
2. Giật mình với quy định 'thả nổi' bảo hành ô tô.
Một trong những lý do dẫn đến việc lùm xùm khó giải quyết vụ việc gần 20 chiếc tàu cá vỏ thép phải nằm bờ chính là những tranh cãi quanh xuất xứ và chủng loại của động cơ máy tàu. Từ vụ việc này, nhìn sang lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô sẽ thấy những khoảng trống trong quy định bảo vệ người tiêu dùng.
Một câu chuyện đang làm nóng công luận, đó là việc lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô do liên Bộ Công Thương và Giao thông - Vận tải soạn thảo. Dự thảo này hiện chưa tạo được cơ chế hữu hiệu trong bảo vệ người tiêu dùng, đối tượng luôn gánh rủi ro đầu tiên và nghiêm trọng nhất khi có sự cố xảy ra.
Cho rằng, quy định này của Bộ Công Thương là chưa hợp lý, ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải cho hay, theo thống kê và ghi nhận thực tế tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay, tất cả các đợt triệu hồi đều do chính nhà sản xuất trong nước hoặc quốc tế thông qua các đơn vị được ủy quyền chính thức thực hiện. Rõ ràng, chưa từng có chuyện một doanh nghiệp không đại diện cho bất cứ nhà sản xuất ô tô nào đứng ra thực hiện triệu hồi sản phẩm khi có vấn đề kỹ thuật xảy ra. Về thực chất, doanh nghiệp nhập khẩu chỉ là trung gian trong việc thực hiện triệu hồi sản phẩm.
Nếu xét về năng lực thì hiện không có nhiều sản xuất kinh doanh ô tô đang hoạt động tại Việt Nam đủ khả năng và có cơ sở vật chất về sản xuất, lắp ráp xe, kiểm định, thử nghiệm và bảo hành bảo dưỡng bài bản và ở mức độ cao, huống hồ các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại nhỏ lẻ, không mua hàng từ gốc với nhà sản xuất, cơ sở bảo hành bảo dưỡng đầu tư khá đơn giản sẽ dựa vào đầu để tự ý ra quyết định triệu hồi!?
3. Bắt giam “bộ sậu” lãnh đạo Công ty Xơ sợi dầu khí PVTEX.
Báo chí trong ngày đưa nhiều thông tin ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), Cty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam 5 đối tượng: Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX; Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTEX; Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX; Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX; Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC.KBC, về tội Cố ý làm trái...
LH (Nguồn VP Bộ CT)