Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh- thông tin cụ thể như sau:
3 bộ cùng quản sợi bún, chiếc bánh trung thu.
Luật An toàn thực phẩm đã quy định việc quản lý theo chiều dọc, không cắt ngang từng công đoạn, song việc tổ chức thực hiện vẫn theo cách cũ nên một sợi bún, một chiếc bánh trung thu vẫn cần tới 3 bộ cùng quản lý. Đó là một trong những hạn chế của công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) được các đại biểu (ĐB) chỉ ra và đại diện Chính phủ cũng thừa nhận, khi Quốc hội (QH) dành cả ngày 5/6 để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát công tác này.
Một ví dụ rõ nét cho nhận định này là câu chuyện quản lý một sợi bún được ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chỉ rõ: Bột gạo, nguyên liệu làm bún thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT, sản phẩm tinh bột thì thuộc Bộ Công Thương. Trong khi sản phẩm bún bán trên thị trường, nếu chứa chất tinopal gây hậu quả cho người tiêu dùng thì thuộc Bộ Y tế. Tương tự với chiếc bánh trung thu: nhãn bánh, bao bì do Bộ Công Thương quản lý; nhân bánh (trứng) thì thuộc Bộ NN-PTNT và các chất phụ gia là của Bộ Y tế. Do đó, các ĐB đề nghị không nên để 3 bộ cùng quản lý mà thu về một đầu mối duy nhất.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) kiến nghị cần một đơn vị độc lập, có chức năng quản lý xuyên suốt chuỗi thực phẩm thì mới có đủ năng lực pháp lý. Tranh luận với các ý kiến cho rằng không nên có thêm một tổ chức mới vì sẽ làm phình bộ máy, thêm biên chế, theo ông Hiếu, thành phần thực chất sẽ là các chuyên viên đến từ 3 bộ được giao quản lý ATTP, giờ được điều chuyển về một đơn vị nên không thể nói làm tăng biên chế. "Ngược lại, nó có thể giảm biên chế do loại bỏ sự chồng chéo trùng hợp một số vị trí mà 3 bộ cùng tiến hành", ĐB Hiếu phân tích và dẫn câu chuyện ô nhiễm nguồn nước do thạch tín gây ra, ông Hiếu cho rằng để xử lý vấn đề này cần các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, khoa học hội tụ trong một tổ chức độc lập để có khả năng tham vấn cho Chính phủ nhằm đưa ra những chính sách tốt nhất. "Đây cũng là mô hình mà nước Mỹ áp dụng trong quản lý thuốc và thực phẩm", ông nói thêm.
Kiến nghị Thủ tướng về điều kiện nhập khẩu ô tô
Eurocham và GBA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sách trắng 2017 về các vấn đề thương mại, đầu tư và khuyến nghị. Nhằm góp ý dự thảo Nghị định của Bộ Công thương về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Theo đó, Eurocham và GBA, cho rằng ô tô được nhập khẩu vào Việt Nam là những sản phẩm kỹ thuật ngày càng phức tạp và mang tính kết nối cao. Tuổi thọ dài của ô tô có tác động không nhỏ đến môi trường và xã hội nói chung.
Do đó, nhập khẩu ô tô phải là hoạt động kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với lĩnh vực kinh doanh ô tô nhằm tiếp tục bảo vệ người tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn giao thông, góp phần xây dựng thị trường tiêu dùng lành mạnh.
LH (Nguồn VP Bộ CT)