Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh- thông tin cụ thể như sau:
1. Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế: Muốn doanh nghiệp lớn, phải minh bạch là bài viết đáng chú ý trên Tiền Phong 25/5, bài viết dẫn nhiều ý kiến nhận xét, phỏng vấn của một số chuyên gia về lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp tư nhân phát triển, cần có các cơ chế minh bạch trong quản lý, xóa bỏ tình trạng xin - cho, liên tục thanh, kiểm tra. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, từ trước đến nay không có công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Việc doanh nghiệp tư nhân bị thanh tra quá nhiều đến mức vừa rồi hội nghị với doanh nghiệp, Thủ tướng phải ra ngay văn bản thanh tra chỉ được 1 năm 1 lần.
“Bây giờ chỉ hy vọng thực hiện được như vậy. Thủ tướng đối thoại nhiều lần và rất hiểu những khó khăn của doanh nghiệp. Nhiệm kỳ trước đã cải cách hành chính nhưng đến giờ, nhiều vấn đề đưa ra nhưng vẫn chưa thực hiện. Các cơ quan Nhà nước vẫn không chịu thực hiện và doanh nghiệp vẫn khó, vẫn khổ. Lần này, có một chỉ thị riêng mong từ nay trở đi bớt được vấn nạn thanh tra, kiểm tra. Nghị quyết của Đảng có nói hay mấy mà không thực hiện được thì sẽ không tạo được niềm tin cho doanh nghiệp”, bà Chi Lan nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, một xã hội không nâng niu, không khuyến khích, không nâng đỡ sáng tạo thì xã hội đó khó phát triển. Với các cơ chế hiện nay, nguồn lực được phân bổ chủ yếu theo kiểu xin-cho, đặc biệt là nguồn lực tài chính, tài nguyên thiên nhiên, đất đai. Chính vì vậy, nhiều DN có ý tưởng, có sáng tạo nhưng không tích tụ được các nguồn lực, không hiện thực hóa được các ý tưởng và dẫn đến việc DN dù muốn cũng không lớn được.
2. Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ thương mại gạo cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Băng- la- đét
Chiều nay (23/5), Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Lương thực Bangladesh đã ký kết một biên bản ghi nhớ về thương mại gạo giai đoạn 2017 - 2022. Nội dung chính của bản ghi nhớ là Bangladesh sẽ nhập khẩu của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn gạo mỗi năm, tùy vào nhu cầu. Đây là một tin vui đối với ngành lúa gạo nước ta, và củng cố thêm nhận định của Hiệp hội lương thực Việt Nam rằng thị trường xuất khẩu gạo đang dần khởi sắc trở lại. Mục tiêu xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo trong năm nay sẽ không quá khó để thực hiện.
Thông tin này được các cơ quan thông tấn báo chí đồng loạt đăng tải từ chiều tối hôm qua. Theo thống kê sơ bộ, có gần 70 tin, bài của các cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin về sự kiện này.