Báo chí trong ngày 20/4 tiếp tục phản ánh về vấn đề Bỏ trần giá sữa, người tiêu dùng được lợi.
Các bài viết tập trung khai thác thông tin Bộ Công Thương cung cấp tại hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi tại TP HCM: Sữa không bị áp giá trần và doanh nghiệp (DN) sẽ tự kê khai giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng; Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được quản lý theo quy định của Luật Giá, không còn bị áp giá trần.
Trước thông tin như Dự thảo trên, cộng đồng DN trong ngành nhận định, Dự thảo Thông tư quản lý giá sữa của Bộ Công Thương khẳng định việc gỡ bỏ trần giá sữa là phù hợp với xu thế hiện nay, quy luật cung cầu, giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, thị trường tự điều tiết giá. Điều này vô hình trung mang lại lợi ích cho DN và người tiêu dùng. Bởi khi đó thị trường sữa sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, các DN phải nỗ lực để giành thị phần bằng các biện pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Ô tô Việt vẫn nuôi giấc mơ xuất ngoại; Không làm dự án thủy điện gây tác hại đến môi trường; Phát hiện nhiều kho hàng lậu số lượng lớn; Cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện, viện phí, học phí; Nghịch lý rau quả Việt.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Ô tô Việt vẫn nuôi giấc mơ xuất ngoại.
Báo điện tử Dân trí đưa tin: Từ đầu năm tới, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam sẽ về mức 0%. Khi đó xe lắp ráp, sản xuất ở Việt Nam sẽ đắt hơn so với xe nhập khẩu. Chính vì vậy các hãng ô tô có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Toyota, Honda… đang thu hẹp sản xuất, thay vào đó nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về bán. Tuy nhiên, một số công ty sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam lại đang “lội ngược dòng” khi đầu tư mạnh để xuất khẩu ô tô sang các nước ASEAN. Dân trí đặt câu hỏi: Vậy giấc mơ xuất khẩu ô tô liệu có thành hiện thực?
2. Không làm dự án thủy điện gây tác hại đến môi trường.
Báo Đấu thầu đăng bài phỏng vấn ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam về vấn đề này. Theo ông Trần Viết Ngãi về cơ bản, những dự án thủy điện nhỏ của Việt Nam đã tuân thủ tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để tránh phải trả giá đắt trong quá trình phát triển các dự án này, công tác lập quy hoạch, kế hoạch cũng như công nghệ sử dụng tại các nhà máy phải được xem xét cẩn trọng.
Ông Trần Viết Ngãi nhấn mạnh: Để đánh giá thực trạng phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa thời gian qua, dự kiến vào tháng 6 tới đây, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức một hội nghị để bàn về vấn đề này. Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp làm thủy điện, để nhìn nhận lại những tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục. Những dự án nào có hiệu quả sẽ đề nghị cơ quan chức năng cho thực hiện. Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch, kế hoạch cũng như công nghệ sử dụng tại các nhà máy phải được xem xét cẩn trọng.
3. Phát hiện nhiều kho hàng lậu số lượng lớn.
Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin: Chiều 19/4, đại diện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, đơn vị vừa phát hiện nhiều điểm kinh doanh hàng trôi nổi, không hóa đơn chứng từ trên địa bàn thành phố, gồm các mặt hàng thực phẩm, đồ chơi trẻ em, men rượu… Bên cạnh đó, các đội QLTT TP cũng phát hiện, tạm giữ gần 1.000 lít rượu trắng, rượu chuối hột, bia Heneiken không chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ. Mới đây, Đội QLTT 12B kiểm tra hộ kinh doanh men rượu tại khu phố 1, phường Thạnh Xuân (quận 12), phát hiện 3.000 viên men cục, 1.400 viên men rượu Bốn Mùa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hạn sử dụng.
4. Cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện, viện phí, học phí.
Báo Tuổi trẻ đưa tin: Ngoài mức thu viện phí mới với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế sẽ tăng từ ngày 1-6, học phí và giá điện, xăng dầu... cũng rục rịch tăng, gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng. Để giữ mức lạm phát không quá 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra, trong cuộc họp điều hành giá được tổ chức ngày 17-4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh và mức giá điều chỉnh đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, trong đó phương án tốt nhất là tạm hoãn việc tăng giá điện.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng cảnh báo cần tính toán phương án tăng giá các loại hàng hóa và dịch vụ, lượng cung tiền...
5. Nghịch lý rau quả Việt.
Thời gian gần đây báo chí đưa nhiều thông tin nhiều mặt hàng trái cây quen thuộc của Việt Nam đang bị hàng ngoại lấn át. Rau quả xuất khẩu tăng mạnh; mỗi tháng người Việt chi hàng chục triệu USD mua trái cây ngoại... thế nhưng có một nghịch lý đau lòng là nhiều loại trái cây, rau củ trong nước lại ế đồng, dội chợ, phải kêu gọi 'giải cứu'.
Nghịch lý hơn nữa là trong khi nông sản liên tục phải giải cứu thì bình quân mỗi ngày người tiêu dùng Việt Nam vẫn chi khoảng 2,5 triệu USD (tương đương hơn 58 tỉ đồng) cho rau quả nhập. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2010, Việt Nam chi 294 triệu USD để nhập rau quả nhưng đến năm 2016, con số này đã tăng lên gấp 3 lần: 924,8 triệu USD. Chỉ riêng trong quý 1/2017, Việt Nam đã chi 230,5 triệu USD cho rau quả nhập, tăng 47,3% so với cùng kỳ.