Thủ tướng chỉ đạo dừng dự án thép Cà Ná là thông tin được các báo quan tâm đăng tải ngày hôm nay 17/4. Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án thép Cà Ná diễn ra hồi đầu tháng 3/2016.
Sau khi nghe các ý kiến từ nhiều phía, Thủ tướng Chính phủ nhận thấy Dự án thép Cà Ná mới đang ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề, như: cần tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô công suất, thời điểm phát triển dự án hợp lý; Chủ đầu tư và cơ quan chức năng cũng cần đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của dự án, đảm bảo dự án an toàn, không xảy ra sự cố tương tự Formosa.
“Nói không với nóng vội” là nhận định của báo Tiền phong, bài viết phản ánh: chiếu theo tính toán, quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt hơn 20 triệu tấn thép thô. Tuy nhiên, làm thế nào để cân đối cung cầu trong nước, đảm bảo vấn đề môi trường và an sinh xã hội, chưa kể đến việc phải lo đối phó với thép rẻ từ Trung Quốc, là bài toán không hề dễ với Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng trực thuộc.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Hàng Việt bị vạ lây từ hàng Trung Quốc; Đạm Ninh Bình vẫn còn nhiều vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc; Tăng trưởng xuất khẩu đang giảm dần; Vụ dứa chết ở Lào Cai: Nhà máy luyện kim vẫn lén lút hoạt động.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Hàng Việt bị vạ lây từ hàng Trung Quốc.
Theo thông tin của trang CaféF, EU và một số thị trường đang nghi ngờ về sản phẩm tôm xuất khẩu nói riêng và một số sản phẩm thủy sản nói chung của Việt Nam không minh bạch về nguồn gốc.
Đoàn chuyên gia của cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) vừa tiến hành điều tra về nguồn gốc, xuất xứ tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu tại Việt Nam. Nguyên nhân là do OLAF nghi ngờ các công ty của Việt nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về sơ chế, đóng gói rồi xuất khẩu sang các nước châu Âu để né thuế.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mở nhà máy ở Việt Nam để nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, Thái Lan… về chế biến. Sau đó họ tiếp tục xuất khẩu vào Trung Quốc hoặc nước khác với thuế suất thấp hoặc xuất theo đường tiểu ngạch, trốn thuế. Đây là nguyên nhân khiến EU nghi ngờ xuất xứ tôm Việt và hàng Việt chịu thiệt thòi – tiết lộ của ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.
2. Đạm Ninh Bình vẫn còn nhiều vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc.
Ban Quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về phương án xử lý những tồn tại với nhà thầu EPC.
Báo cáo mới nhất từ Đạm Ninh Bình cho thấy, sau khi đàm phán với nhà thầu Trung Quốc, hai bên đã thống nhất được 5 nội dung nhưng vẫn còn 10 nội dung quan trọng chưa có kết quả đàm phán cuối cùng. Về cơ bản, 10 nội dung chưa được thống nhất với nhà thầu Trung Quốc vẫn giữ nguyên như báo cáo của Đạm Ninh Bình hồi tháng 1 năm nay. Hai bên đã có tới gần 20 phiên đàm phán để giải quyết những vướng mắc này.
Trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho thấy nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này với nhà thầu Trung Quốc. Cụ thể, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với hợp đồng EPC. Qua nhiều lần đàm phán chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than chạy thử cấp vượt…
3. Tăng trưởng xuất khẩu đang giảm dần.
Báo cáo vĩ mô quý 1/2017 do Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello vừa công bố cho thấy, những biến động về chính trị và kinh tế thế giới trong những năm vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của VN.
Trong giai đoạn 2010 - 2016, xuất khẩu hàng hóa đang có xu hướng tăng chậm dần, giảm từ mức tăng 34,2% năm 2011 xuống còn 8,6% năm 2016. Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của VN có mặt trên 200 quốc gia. Châu Á là khu vực xuất khẩu chính với tỷ trọng 49,4% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2015, trong đó Trung Quốc và ASEAN vẫn là các đối tác chính. Trong khi đó, cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu chính của VN có xu hướng tăng trưởng chậm hoặc suy giảm. Ước tính kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đối với toàn thế giới giảm khoảng 14% trong năm 2015 so với năm trước và rơi vào vùng suy thoái.
4. Vụ dứa chết ở Lào Cai: Nhà máy luyện kim vẫn lén lút hoạt động.
Theo phản ánh trên các báo, liên quan đến việc xả thải gây chết hàng trăm hecta dứa và hoa màu của bà con nông dân, nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã bị đình chỉ hoạt động để khắc phục sai phạm. Tuy nhiên thời gian qua, nhà máy này vẫn lén lút vận hành và đã bị chính quyền cùng người dân địa phương phát hiện, lập biên bản.