[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 14/4/2016
Chủ nhật, 16/04/2017 - 18:45
Sai phạm nghiêm trọng tại dự án nghìn tỷ, lãnh đạo Vinatex chỉ nhận có khuyết điểm; Giấc mơ ô tô Việt có phải chờ lâu?

Báo cáo về tình hình quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trên toàn quốc trong năm 2016 là thông tin được nhiều báo đăng tải ngày hôm nay 14/4.

Cụ thể, trong năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã ra quyết định điều tra đối với 6 doanh nghiệp; ra quyết định xử lý 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt hơn 1,55 tỷ đồng, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận của 3 doanh nghiệp; tiếp tục tiến hành điều tra 1 doanh nghiệp.

Trong số các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp liên tục bị địa phương xử phạt thì đứng đầu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy với số tiền phạt gần 1,57 tỷ đồng. Ngoài ra còn có CTCP Liên minh Tiêu dùng Việt Nam; Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam; CTCP Nhượng Quyền Thiên Lộc; CTCP Japan Life Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam.

Điểm mới trong năm 2016 đó là hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm năm 2016 ở các địa phương được thực hiện với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý liên quan.

Một thông tin khác cũng liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp, cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt). Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận bởi hậu quả nó gây ra quá nặng nề. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an 49 tỉnh thành phố đã tiến hành lấy lời khai của 9.100 người khách hàng của công ty Liên kết Việt. Số người này đã mua 63.173 mã sản phẩm với số tiền đã nộp là hơn 747 tỷ đồng, trừ đi số hoa hồng và hàng hóa họ đã được nhận thì hiện họ vẫn bị thiệt hại hơn 423 tỷ đồng.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Sai phạm nghiêm trọng tại dự án nghìn tỷ, lãnh đạo Vinatex chỉ nhận có khuyết điểm; Giấc mơ ô tô Việt có phải chờ lâu?; Bỏ quy định áp giá trần: Liệu giá sữa trong nước có thể "nhảy múa"?; Doanh nghiệp “chê” dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Sai phạm nghiêm trọng tại dự án nghìn tỷ, lãnh đạo Vinatex chỉ nhận có khuyết điểm.


Báo Tiền phong đưa tin: Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ và đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra “Dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm…”. Về xử lý trách nhiệm hành chính, TTCP đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân có liên quan tại Bộ, PVN, Vinatex.

Tuy nhiên, tại Báo cáo kiểm điểm (số 172/TĐDMVN-BC, ngày 8/3/2017), Vinatex cho rằng Trưởng nhóm đại diện phần vốn của Vinatex tại Cty PVTEX (Chủ đầu tư dự án sơ sợi Polyester Đình Vũ) là ông Trần Quang Nghị đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ.

Hội đồng kiểm điểm xác định, ông Trường cần rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành chưa đảm bảo đầy đủ các bước về thủ tục hành chính trong công tác thẩm định mà đã kế thừa kết quả thẩm định của PVN; Cần rút kinh nghiệm khi tham gia quản lý, điều hành các dự án lớn sau này.

2. Giấc mơ ô tô Việt có phải chờ lâu?

Người tiêu dùng đã mơ giấc mơ xe hơi Việt suốt hơn 20 năm qua, nhưng năm 2018 là thời điểm chúng ta sẽ tỉnh mộng hay tiếp tục mơ một giấc mơ khác? Thực tế, không cần phải đợi đến năm 2018 mà ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã tỉnh mộng.

Theo nội dung tổng hợp trên VTV News, Công ty Cổ phần Ô tôTrường Hải muốn thông qua lắp ráp để tiến tới trở thành một phần trong chuỗi cung ứng. Vinaxuki muốn được giải cứu để tiếp tục giấc mơ ô tô thương hiệu Việt. Bộ Công Thương muốn tỷ lệ nội địa hóa cao. Người tiêu dùng muốn mua xe giá rẻ… Không có giấc mơ nào mâu thuẫn nhau cả, nếu chúng ta xây nó vững chắc trên chính đôi chân của mình.

Tại cuộc làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ 3 nhóm giải pháp phát triển ngành này, trong đó có việc điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng. Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài các chuyên gia vẫn nhắc đến công nghiệp hỗ trợ, cần nghiên cứu mô hình công nghiệp hỗ trợ cho phù hợp.

3. Bỏ quy định áp giá trần: Liệu giá sữa trong nước có thể "nhảy múa"?


Đồng tình với việc kê khai, đăng ký giá sữa theo quy định mới, nhưng nhiều ý kiến đưa ra tại "Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi tỏ ra lo ngại giá mặt hàng này có thể "nhảy múa".

Khi bỏ quy định áp giá trần, mặt hàng sữa có thể biến động phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi Người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương, các cửa hàng xa trung tâm vì mạng lưới bán lẻ quá nhỏ và manh mún.

Trước những ý kiến đưa ra, về phía cơ quan quản lý, đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) ​khẳng định, việc bỏ biện pháp giá trần không phải là nhà nước "buông" quản lý giá sữa. Biện pháp chính sẽ là kiểm soát giá cuối cùng, tức là xem xét giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng có hợp lý hay không? Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và lực lượng QLTT sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát việc đăng ký và niêm yết giá, cũng như đảm bảo việc kiểm soát theo chuỗi, để giá sữa không bị đẩy lên bất hợp lý.

4. Doanh nghiệp “chê” dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, giữa bối cảnh 97-98% các DN Việt Nam là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì đây là một đạo luật đặc biệt quan trọng đối với tương lai của các DNNVV cũng như triển vọng chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, qua rà soát dự thảo cho thấy, các nội dung hầu như chưa đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi trên, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng DN về tính hiệu quả và khả thi của dự luật này nếu được thông qua. Giới kinh doanh đánh giá, dự thảo lần này đã thành công trong việc nhận diện và giới hạn các biện pháp hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, dự thảo dường như chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này. Một số trường hợp có quy định về biện pháp hỗ trợ thì hoặc là chỉ dẫn chiếu tới pháp luật khác hiện đang có hiệu lực, không có gì mới, cũng không có gì ưu tiên cho DNNVV, hoặc là quá chung chung, hoặc là không khả thi.

LH (Nguồn VP Bộ CT)