[In trang]
Người lao động đang bị “tận thu” sức khỏe
Thứ sáu, 14/04/2017 - 09:19
Người lao động đang bị “tận thu” tối đa sức khỏe khi còn trẻ, khi lớn tuổi lập tức DN tìm cách thải loại và thành lao động tự do

Theo Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), người lao động đang bị “tận thu” tối đa sức khỏe khi còn trẻ, với mức lương thấp, mức đóng bảo hiểm xã hội ít, nhưng khi lớn tuổi lập tức DN tìm cách thải loại và thành lao động tự do.


Có nhiều cách để doanh nghiệp loại người lao động lớn tuổi như kiểm tra, sát hạch, tăng năng suất... 

Báo Tiền Phong cho biết - ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty May Hưng Yên (Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên) cho biết, công ty ông hiện có 15.000 lao động, nhưng luôn để họ làm tới lúc nghỉ hưu. Thậm chí, có người nghỉ hưu vẫn muốn làm thêm để phụ giúp gia đình, công ty vẫn tạo điều kiện.

Tuy vậy, ông Dương không phủ nhận có DN tìm cách sa thải lao động lớn tuổi để tuyển người trẻ hơn, vì giữ lao động lâu năm quỹ lương sẽ tăng, tiền đóng bảo hiểm cũng tăng, nhưng năng suất lao động lại giảm. 

Như 1 người lao động đi làm từ năm 25 tuổi, tới 40 tuổi sẽ tròn 15 năm, theo quy định 3 năm tăng lương 1 lần, mỗi lần 7%. Như vậy, cùng với 35% chi phí cho tăng lương, DN còn phải đóng thêm 35% tăng thêm cho bảo hiểm, nhưng năng suất giảm do tuổi cao, mắt kém, sức khỏe giảm sút.

Theo ông Dương, có nhiều cách để DN loại người lao động, như đưa ra các bài kiểm tra, sát hạch, tăng các điều kiện về năng suất, chuyển đổi vị trí làm việc… Những cách đó khiến người lao động chán phải tự bỏ, hoặc không đạt các điều kiện công việc để đơn phương chấm dứt hợp đồng vẫn không sai luật. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không thể ép DN phải nuôi người lao động năng suất thấp, vì nhiều người lao động lười làm, ý thức kém phải thải loại.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, việc DN sa thải lao động khi tới 35-40 tuổi không phải giờ mới có. Tuy nhiên, những năm gần đây bộc lộ rõ hơn, khi nhiều DN chấm dứt và không tuyển lao động từ 35-40 tuổi trở lên.

“Tôi cũng nhận được một số phản ánh của người lao động về vấn đề này, họ bị sa thải nhưng không làm gì được. Trước đây, để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta đã thay đổi Bộ luật Lao động, bắt buộc DN chỉ được ký 2 lần hợp đồng có thời hạn, sau đó phải ký hợp đồng vô thời hạn. Nhưng thực tế DN vẫn có cách lách, chỉ ký 2 lần hợp đồng có thời hạn sau đó không ký lại nữa để tuyển lao động khác, hay thông qua thi tuyển, sát hạch để thanh lọc”, ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, người lao động đang bị “tận thu” tối đa sức khỏe khi còn trẻ, với mức lương thấp, mức đóng bảo hiểm xã hội ít, nhưng khi lớn tuổi lập tức DN tìm cách thải loại và thành lao động tự do. Khi đó, sức khỏe của người lao động không còn, bảo hiểm xã hội cũng bị cắt. Họ muốn tham gia bảo hiểm tự nguyện để về già có lương hưu cũng bị hạn chế về khả năng kinh tế, phải rút bảo hiểm và về già không có lương hưu. 

“Tình trạng này rất đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng đời sống người lao động và gia đình họ”, ông Quảng nói. Theo ông Quảng, dù hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ, nhưng qua phản ánh của người lao động, ngành nghề thường thay nhiều lao động chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, giày da, thủy sản, lắp ráp điện tử…

Ông Lê Đình Quảng cho rằng, bên cạnh nâng cao ý thức lao động, cơ quan quản lý cần: Có chế tài để ngăn chặn DN lách luật; Ban hành chính sách để ràng buộc DN có trách nhiệm hơn với người lao động đã cống hiến cho họ tuổi trẻ.

Ông Quảng cũng đề xuất thay đổi các chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài. Giảm tiếp nhận những DN đầu tư vào lĩnh vực chủ yếu dùng lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu. Tiến tới Việt Nam chỉ tiếp nhận những DN đầu tư vào lĩnh vực đòi hỏi lao động qua đào tạo, có chuyên môn, sử dụng nhiều chất xám. 

“Những lĩnh vực công nghệ cao, lao động càng lâu năm tay nghề càng cao, khi đó DN càng muốn giữ lại”, ông Quảng nói. Theo ông Quảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ nghiên cứu để có đề xuất ngăn chặn tình trạng trên. Trước mắt, sẽ hướng dẫn các công đoàn cơ sở đưa vấn đề này vào thỏa ước lao động tập thể, quy chế nội bộ.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, có thực tiễn nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài không sử dụng lao động qua đào tạo, chủ yếu dùng lao động phổ thông. Sau khi người lao động vào làm việc được một thời gian tới khoảng 30-35 tuổi thì họ tìm cách đảo quân, lách rất nhiều chuyện. “Tôi đã làm việc với một số tập đoàn lớn, có lẽ tiến tới sẽ xây dựng chính sách để ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp với người lao động, nhưng phải tính thêm để phù hợp với cơ chế thị trường”, ông Dung nói.

Theo CIRD