[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 11/4/2017
Thứ tư, 12/04/2017 - 16:49
Tồn kho trên 600.000 tấn đường; Kiến nghị pha màu 'đánh dấu' cồn công nghiệp tránh ngộ độc rượu; Xem xét từ chối dự án nhà máy giấy nhà máy giấy Đại Dương

Dân lo âu khi sống gần nhà máy bauxite là tiêu đề bài viết trên Báo điện tử Người lao động hôm nay (11/4). Theo phản ánh của bài viết, những người dân sinh sống tại tổ dân phố 21, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng - không thống nhất với kết quả quan trắc môi trường nhà máy sản xuất alumin Tân Rai (bauxite Tân Rai) vừa được công bố và họ sẽ tiếp tục đến UBND thị trấn Lộc Thắng kêu cứu.

Trước đó, chiều 5-4, Trung tâm Quan trắc môi trường của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Công ty Nhôm Lâm Đồng (đơn vị vận hành dự án bauxite Tân Rai, huyện Bảo Lâm) công bố kết quả quan trắc môi trường xung quanh tổ hợp nhà máy này. Theo kết luận, tất cả thông số chất lượng môi trường nước thải khu vực cống xả số 3 tại thời điểm quan trắc đều đạt theo giấy phép được Bộ TN-MT cấp năm 2015.


Hoạt động sản xuất alumin phát sinh nhiều chất thải nên người dân đề nghị quan trắc kỹ khu vực xung quanh nhà máy, nhất là hồ bùn đỏ

Tuy nhiên, người dân không tin vào kết quả này. Cá chết, cây trồng chết, bầu trời có hôm trắng muốt cả khu vực như bụi vôi đóng từng lớp dày trên lá cây cà phê, trà và mái nhà. Chưa kể mùi hôi thối từ 2 hồ bùn đỏ số 2, số 3 bốc ra thường xuyên…

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Tồn kho trên 600.000 tấn đường; Kiến nghị pha màu 'đánh dấu' cồn công nghiệp tránh ngộ độc rượu; Xem xét từ chối dự án nhà máy giấy nhà máy giấy Đại Dương; Xuất khẩu dệt may vẫn khả quan; Điện than ngày càng đắt đỏ.

Thông tin cụ thể như sau:   

1. Tồn kho trên 600.000 tấn đường.

Nông nghiệp Việt Nam phản ánh: Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến 31/3/2017, các nhà máy đường đã ép được 9.639.192 tấn mía, sản xuất được 881.950 tấn đường (có 259.533 tấn đường RE). Bên cạnh đó, các nhà máy cũng sản xuất được 183.910 tấn đường thô (trong đó 179.234 tấn đường RE và 4.667 tấn RS và đường vàng).

Tháng 3 vẫn đang trong thời kỳ chính vụ, sản lượng dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng lại không còn cao như trong dịp Tết Nguyên đán nên tồn kho ở mức cao. Đến nay, tồn kho tại các nhà máy đường là 570.419 tấn, tại các công ty thương mại là 40.577 tấn.

Hiện tại, giá đường trong nước đang giảm nhẹ, nhưng tháng 4 đã sang mùa hè, nhu cầu tiêu dùng đường tăng lên và lại có những ngày lễ (giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5) nên giá đường có thể giữ như mức tháng 3.

2. Kiến nghị pha màu 'đánh dấu' cồn công nghiệp tránh ngộ độc rượu.

Tại hội thảo về tác hại của lạm dụng rượu bia, xử trí và điều trị ngộ độc rượu có methanol, Bộ Y tế cung cấp con số giật mình khi có tới 50% số ca tử vong do rượu là uống phải methanol (cồn công nghiệp).

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng những vụ độc vừa qua là do nạn nhân uống quá nhiều rượu nên methanol tích tụ lại chứ không có rượu pha cồn công nghiệp, bởi trong rượu tự nấu vẫn có hàm lượng methanol nhất định. Hơn nữa, không ai pha rượu methanol cả vì methanol công nghiệp rất đắt.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trước đây việc pha cồn công nghiệp bắt buộc phải được đánh dấu bằng chất xanhmethylen (tạo màu xanh) để phân biệt với rượu nấu. Nhưng nhiều năm nay việc này không được thực hiện, dẫn đến tình trạng nhập nhèm. Ông kiến nghị Bộ Công Thương cần quan tâm đến quy định này để người dân dễ phân biệt.

Theo Thanh niên phản ánh, số người chết vì rượu độc 3 tháng qua cao nhất từ trước đến nay. Đã có xấp xỉ 200 người bị ngộ độc, trong đó ít nhất 18 người tử vong, nhiều người bị di chứng không hồi phục (1 người nước ngoài mù vĩnh viễn) vì methanol trong 3 tháng.       

3. Xem xét từ chối dự án nhà máy giấy nhà máy giấy Đại Dương.


Theo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), thời gian qua, dư luận và một số chuyên gia cho rằng dự án này đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm cho sông Tiền và vùng phụ cận, sẽ dùng 7.500m3 nước/giờ và lưu lượng xả thải khoảng 5.000m3/giờ. Trước áp lực dư luận, ngày 28/3 vừa qua, UBND Tiền Giang đã tổ chức họp lấy ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia đối với nhà máy giấy Đại Dương.

Sản phẩm chính của Nhà máy giấy Đại Dương là giấy duplex, việc sản xuất sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do sử dụng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, lo ngại của các nhà khoa học, người dân về ô nhiễm môi trường là có cơ sở.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hiện vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, hồ sơ báo cáo tác động môi trường của nhà đầu tư sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến của các bộ ngành, địa phương, khi đó Bộ Công Thương sẽ chính thức trả lời và báo cáo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

4. Xuất khẩu dệt may vẫn khả quan.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - đánh giá, triển vọng xuất khẩu dệt may trong năm 2017 vẫn rất khả quan, mặc dù năm 2016 bị gián đoạn khiến tăng trưởng cả năm chỉ đạt 9,2% nhưng năm 2017 dự kiến con số tăng trưởng sẽ đạt 13-14%.

Để thích ứng được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong năm 2017, doanh nghiệp cần nâng cao vai trò quản lý, đảm bảo 3 yếu tố: giá cả cạnh tranh chất lượng là số 1; thời gian giao hàng không được chậm trễ, càng ngày càng phải nhanh hơn.

Đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý, mặc dù dệt may là một trong những ngành hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhập khẩu một khối lượng nguyên phụ liệu lớn, tỉ trọng giá trị gia tăng chưa cao như mong muốn. Giải pháp cốt lõi để thúc đẩy xuất khẩu là doanh nghiệp cần có một nội lực tốt, thể hiện ở năng lực của các doanh nghiệp để có nguồn hàng xuất khẩu.

5. Điện than ngày càng đắt đỏ.

Theo phản ánh của Báo Thanh niên, Chiến lược phát triển điện của VN ngược chiều thế giới đang trở nên rõ ràng hơn, bởi giá thành sản xuất điện than ngày càng tăng trong khi giá thành sản xuất điện năng lượng tái tạo ngày càng giảm. Qua bài báo thì điện than đắt gấp 2,5 lần điện gió và ô nhiễm môi trường biển rất cao.

Bài viết nhấn mạnh: Ngày 22/3, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực (EVN) phải trình kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trước 25.3. Tuy nhiên kịch bản này đã không được trình đúng hạn định. Giải thích về việc này, EVN cho là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là giá than. Theo đó, giá bán than cho điện từ 24.12.2016 sẽ tăng 7%, ngành điện ước tính tổng chi phí đội lên khoảng 4.692 tỉ đồng. Liệu điều này có phải là căn cứ dẫn tới giá điện sẽ tăng trong tương lai.

LH (Nguồn VP Bộ CT)