[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 5/4/2017
Thứ tư, 05/04/2017 - 16:54
Một mặt hàng 2 đơn vị ở một bộ cùng quản lý; Phát hiện điểm kinh doanh xăng, dầu gian lận rất tinh vi tại Bến Tre; 13 quận, huyện chưa báo cáo việc giải tỏa chợ

Trình đề xuất tăng thuế xăng 8.000 đồng lên Quốc hội là thông tin được báo chí và dư luận quan tâm trong những ngày qua. Chính phủ vừa trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít. Theo đề xuất, dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay.

Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia về giá, đề xuất của bộ Tài chính có thể được hiểu là chỉ đưa ra khung thuế chứ chưa phải là áp dụng tăng giá xăng lên mức tối đa ngay. Tuy nhiên đây là cơ sở pháp lý để áp dụng. Việc tăng tối đa mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng lên 8.000 đồng/ lít, dầu diezel lên 6.000 đồng/ lít… khiến thị trường sẽ “sốc”. Bởi sức dân còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế. Không chỉ dư luận mà sau khi đưa ra lấy ý kiến, hàng loạt các bộ ngành cũng không đồng thuận với đề xuất này.

Bên cạnh đó, bài viết Trung Quốc dồn dập đầu tư vào Việt Nam: Có mừng, có lo cũng là thông tin đáng chú ý đăng trên Dân trí 5/4. Trung Quốc đã bất ngờ vươn lên xếp thứ hai trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Qua phân tích số liệu cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc (TQ) tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam chủ yếu qua hai hình thức là rót vốn thực hiện dự án hoặc mua cổ phần doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của TQ thường tập trung vào những lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản... Đây là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nói: “Nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn đầu tư TQ không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về môi trường, công nghệ… Thế nhưng Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với TQ mà quan trọng phải biết cách chơi. Việt Nam có thể học theo mối quan hệ Phần Lan và Nga. Phần Lan đón nhận nguồn vốn đầu tư cực lớn từ Nga nhưng họ biết chọn lọc để phát triển công nghệ, phát triển kinh tế”.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Một mặt hàng 2 đơn vị ở một bộ cùng quản lý; Phát hiện điểm kinh doanh xăng, dầu gian lận rất tinh vi tại Bến Tre; 13 quận, huyện chưa báo cáo việc giải tỏa chợ.

Thông tin cụ thể như sau:          

1. Một mặt hàng 2 đơn vị ở một bộ cùng quản lý.


Dân trí dẫn ý kiến của ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan xung quanh những bất cập trong hoạt động quản lý chuyên ngành, liên quan đến các thủ tục xuất nhập khẩu thời gian qua: Trong nhóm hàng thức ăn gia súc nhập khẩu, chúng tôi thấy có gần 200 mặt hàng có sự trùng lặp trong quản lý. Một mặt hàng 2 đơn vị ở một bộ cùng quản lý dù kiểm tra chuyên ngành chỉ là tiền kiểm, song hai đơn vị không công nhận kết quả của nhau.

Còn theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA): Quyết tâm của các bộ ngành đã cao, những thủ tục đã được cải cách và doanh nghiệp đã cảm nhận được những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên những vấn đề cơ bản lại vẫn tồn tại đó là kiểm tra chuyên ngành vẫn chuyển biến rất chậm, dù đã được nhiều lần kiến nghị. Có mặt hàng chịu quản lý của nhiều bộ, trong một bộ lại chịu sự quản lý của 2-3 đơn vị khác nhau, trong khi trình tự và phương pháp tương tự nhau. Việc thay đổi phương pháp kiểm tra, chuyển kiểm tra ở khâu thông quan sang khâu hậu thông quan, để DN tự khai báo và chịu trách nhiệm là những giải pháp cần phải thực hiện triệt để nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

2. Phát hiện điểm kinh doanh xăng, dầu gian lận rất tinh vi tại Bến Tre.

Dân trí phản ánh, ngày 5/4, thông tin từ đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Khoa học công nghệ và Công an tỉnh Bến Tre cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện cửa hàng xăng dầu sử dụng thiết bị gian lận rất tinh vi. Ngày 4/4, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Khoa học công nghệ phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bến Tre) bất ngờ kiểm tra Trạm xăng dầu số 16 (Công ty TNHH xăng dầu Hồng Đức) trên quốc lộ 60 (xã Tân Thanh Bình, huyện Mỏ Cày Bắc), phát hiện có bất thường tại 3 trụ bơm nên đã tiến hành niêm phong.

Theo biên bản do đoàn kiểm tra liên ngành lập sau buổi kiểm tra, 3 trong số 6 trụ bơm của trạm xăng dầu này gồm trụ bơm xăng A 95, A 92 và dầu DO 0,05% đều có sai số trung bình là 5%. Trong khi đó sai số cho phép theo quy định hiện hành là 1,5%. Từ đó, đoàn kiểm tra kết luận “Phép đo không đáp ứng yêu cầu về đo lường” và tiến hành niêm phong bảng điều khiển, vòi bơm tại 3 trụ bơm nói trên. Điều đáng nói ở đây là những sai số trên xuất hiện khi nhấn vào một nút được gắn chìm nằm dưới bảng hiển thị điện tử của bảng điều khiển. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.

3. 13 quận, huyện chưa báo cáo việc giải tỏa chợ.


Sở Công Thương TP.HCM cho biết về công tác giải tỏa các chợ tự phát trên địa bàn thành phố, hiện nay có 49 chợ tạm, 228 điểm, khu vực kinh doanh tự phát. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Công Thương đã có các văn bản đề nghị UBND các quận, huyện báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch giải tỏa các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn. Thống kê các điểm kinh doanh tự phát và xây dựng kế hoạch giải tỏa cụ thể.

Đến nay, đã có 11 quận, huyện có kế hoạch giải tỏa các điểm, khu vực kinh doanh tự phát trên địa bàn bao gồm quận 4, 5, 6, 7, 9, 10, Phú Nhuận, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn. Hiện nay còn 13 quận - huyện chưa có kế hoạch giải tỏa. Vì vậy, Sở đề nghị UBND các quận, huyện còn lại khẩn trương xây dựng và gửi kế hoạch giải tỏa về Sở để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Trước đây UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện rà soát lại quy hoạch chợ truyền thống trên địa bàn, có kế hoạch di dời các chợ tạm, chợ tự phát. Đặc biệt các chợ gây ách tác giao thông chiếm dụng lòng lề đường để kinh doanh, gửi về Sở Công Thương trước 9/3/2017. Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch của các quận, huyện và báo cáo ủy ban trước 15-3. Chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban TP về việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè lòng dường khu vực xung quanh chợ...

LH (Nguồn VP Bộ CT)