“Dân kêu cứu vì ô nhiễm từ nhà máy giấy Lee & Man” - Theo phản ánh trên báo Tuổi trẻ, cuộc sống của các hộ dân sống tại ấp Phú Xuân (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) cách Nhà máy giấy Lee & Man khoảng 200m bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra gần đây. Người dân sống gần Nhà máy đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi thế nhưng đại diện chính quyền địa phương lại cho biết là "mọi thứ đều tốt".
Từ vấn đề của nhà máy giấy Lee&Man - nhà máy giấy lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với công suất 420.000 tấn/năm, từng làm báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực - vừa được phép chạy thử nghiệm, báo Tuổi trẻ có thêm một bài viết “Nỗi lo môi trường ngày càng lớn”.
Ngoài giấy, sẽ có tổng cộng 15 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng tại đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới. Không thể kể hết có bao nhiêu hội thảo tổ chức thời gian qua để phản đối việc “nhuộm đen” các vùng sinh thái và kinh tế nông nghiệp bằng nhiệt điện than. Nhưng quy hoạch đã được phê duyệt và rất khó bị hủy.
Những “quả bom” môi trường đã và chưa “nổ” thật sự là nỗi ám ảnh cho môi trường sống đang ngày càng xấu đi.
Báo Tuổi trẻ đưa ra nhận định, Chính phủ đã khẳng định quan điểm không phát triển bằng mọi giá nhưng cấp dưới vẫn chưa quyết liệt thực thi, có vẻ chỉ xem trọng việc bảo vệ môi trường bằng lời nói hơn là hành động.
Chủ cây xăng lậu ''ẩn mình chờ cháy” không hợp tác với chính quyền, tiếp theo loạt bài phóng sự về các cây xăng lậu, báo Tiền phong hôm nay 30/3 cho biết, đại diện Sở GTVT Hà Nội và quận Cầu Giấy khẳng định không cấp phép làm bãi đỗ xe cho Công ty Hải Vân. Việc công ty này dựng trạm bơm xăng bên trong là trái phép. Đến nay đại diện công ty này vẫn chưa tới làm việc với chính quyền.
Tuy nhiên, trạm bơm xăng dầu này đã tồn tại khá lâu, thông thường doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra liên ngành (phòng cháy chữa cháy, quản lý thị trường, trật tự an ninh…) chẳng nhẽ không ai hay biết trong bãi xe có trạm bơm xăng?
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Năm 2016 nhập hơn 13 triệu tấn than, gấp 4 lần kế hoạch; Phương thức thanh toán mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ; Tăng trưởng thấp, áp lực lớn lên ngành công nghiệp.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Năm 2016 nhập hơn 13 triệu tấn than, gấp 4 lần kế hoạch.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, than nhập cả nước năm 2016 đạt 13,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 927 triệu USD. So với năm 2015, tăng 92,4% về lượng và 69,4% về giá trị. Điều này khiến cho năm 2016 trở thành năm có giá trị than nhập khẩu bằng nhiều năm trước cộng lại và Việt Nam chính thức trở thành nước nhập khẩu than, trong đó nhập khẩu chủ yếu là than Antraxit và than Bitum.
Lý giải về lượng nhập khẩu than trong nước tăng mạnh năm 2016, Bộ Công Thương cho biết có 4 nguyên nhân. Thứ nhất là nhu cầu về than ở một số nhà máy nhiệt điện tăng; Thứ hai là giá than thế giới giảm sâu; Thứ ba là điều kiện khai thác trong nước ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng giá thành sản xuất khiến than trong nước có giá cao hơn than nhập khẩu; Cuối cùng là do than hầm lò phải nộp 12%, than lộ thiên phải nộp 14% thuế tài nguyên để có quyền khai thác.
2. Phương thức thanh toán mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến về phương thức thanh toán trong hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể chính sách thương mại biên giới, trong đó phối hợp với Ngân hàng NNVN, các cơ quan, UBND các tỉnh biên giới liên quan tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá cụ thể, làm rõ đặc thù trong hoạt động thương mại biên giới qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và các phương thức thanh toán thực tế đang áp dụng.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng NNVN chủ trì đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của thương nhân Việt Nam và bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống vận chuyển, rửa tiền trái phép qua biên giới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2017.
3. Tăng trưởng thấp, áp lực lớn lên ngành công nghiệp.
Vấn đề tăng trưởng thấp của khu vực công nghiệp là điểm cần lưu tâm từ kết quả công bố về các chỉ số tăng trưởng kinh tế trong quý I/2017 của Tổng cục Thống kê hôm 29/3.
Nhận định gần đây của Bộ Công Thương cho rằng ngành khai khoáng vẫn trong xu hướng giảm mạnh, nên năm 2017, công nghiệp chế biến – chế tạo được xác định tiếp tục là động lực để kéo mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Bên cạnh mức tăng thấp, một nỗi lo khác với sản xuất công nghiệp chính là áp lực cắt giảm thuế quan từ các FTA. Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các ngành sản xuất trong nước phải chịu sức ép lớn do mức độ cạnh tranh sản phẩm ngày càng gia tăng ngay tại thị trường nội địa. Điều đáng quan ngại cho nhiều ngành công nghiệp trong tương lai chính là sức ép từ cắt giảm thuế quan thời gian tới.
Trong bối cảnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp tụt dốc như hiện nay, giới chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề khai thác có hiệu quả các FTA cũng nên đặt lên hàng đầu để hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
LH (Nguồn VP Bộ CT)