[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 28/3/2017
Thứ ba, 28/03/2017 - 16:51
Siết chặt quản lý thị trường rượu; Đề xuất 3 tháng được tăng giá điện 1 lần không được chấp nhận; Nhà nước vẫn còn tham gia bán bia, sữa

Hệ thống phân phối hàng hóa (HTPP) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của quá trình sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, HTPP hàng hóa của Việt Nam phát triển tự phát, cho nên đang bộc lộ nhiều bất cập. Đó là nội dung chính trong bài viết “Tổ chức lại kênh phân phối hàng hóa để phát triển thương mại bền vững” đăng trên báo Nhân dân hôm nay 28/3.

Một nghịch lý đang tồn tại trong HTPP của nước ta là giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng thường bị “đội” lên gấp nhiều lần so với giá sản xuất ban đầu do sự tồn tại của quá nhiều khâu trung gian.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, bản chất sâu xa của tình trạng này là do đặc điểm sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, không gắn với thị trường. Phần lớn hệ thống, DN bán lẻ của Việt Nam chưa chủ động tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa cho riêng mình.

Sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, chúng ta đã mở cửa cho tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia vào HTPP hàng hóa, nhưng Nhà nước đã không có sự can thiệp cần thiết mà hoàn toàn buông lỏng cho hệ thống này phát triển tự phát. Do đó, đã không hình thành được các chuỗi thương mại, dẫn đến cách làm thiếu chuyên nghiệp, chụp giựt, đồng thời gây nên sự cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, tại Việt Nam hiện nay, nhiều DN thương mại có thị trường bắt đầu thể hiện quyền lực của mình ở việc đề nghị trả tiền hàng chậm, tính chiết khấu cao,… nhưng nhà sản xuất vẫn lao vào vì mặc dù thu lợi từ mỗi sản phẩm ít đi, nhưng với số lượng tăng thì nguồn thu càng lớn, đồng thời có thêm danh tiếng để tiêu thụ dễ hơn. Vì vậy, đúng là có chuyện chiết khấu thương mại, nhưng đó là quyền lực thị trường và của người “cầm cái”. Ngược lại, khi cầu mạnh và cung thiếu, quyền lực lại thuộc về nhà sản xuất. Đây là cuộc chơi theo quy luật thị trường và Nhà nước rất khó có thể can thiệp vào quá trình này.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Siết chặt quản lý thị trường rượu; Đề xuất 3 tháng được tăng giá điện 1 lần không được chấp nhận; Nhà nước vẫn còn tham gia bán bia, sữa;  Quỹ bình ổn xăng dầu Petrolimex còn trên 1.800 tỷ đồng.

Thông tin cụ thể như sau:          

1. Siết chặt quản lý thị trường rượu.


Báo Công lý đưa tin: Thông tin từ Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng gần 80.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, có 02 vụ, Chi cục đã chuyển cho cơ quan công an điều tra. Nhằm kiểm soát tình hình đang có xu hướng diễn biến phức tạp của việc sử dụng rượu tràn làn, đặc biệt là rượu không nguồn gốc, rượu có chứa methanol … các chuyên gia nhìn nhận vấn đề chính là phải kiểm soát, quản lý được rượu dân tự nấu, rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường.

Ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Trên cơ sở đó, ngày 14/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.

Quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Do đó, để tạo môi trường kiến tạo, giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, cần tăng cường công tác hậu kiểm và phân cấp quản lý cho các địa phương.

2. Đề xuất 3 tháng được tăng giá điện 1 lần không được chấp nhận.

Dân trí đưa tin, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất giảm tần suất điều chỉnh giá điện tối thiểu giữa 2 lần từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu giữ nguyên ở mức tối thiểu 6 tháng như hiện tại.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016-2020.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện lại dự thảo. Đáng lưu ý, văn bản nêu rõ, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ theo hướng, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu 6 tháng. Bổ sung VCCI, hiện hội ngành hàng có liên quan trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân trình Thủ tướng trong tháng 4/2017.

3. Nhà nước vẫn còn tham gia bán bia, sữa.


Đánh giá về quá trình thực hiện thoái vốn nhà nước ra khỏi các DNNN thời gian qua, một số chuyên gia kinh tế cho rằng SCIC đã thực hiện quá chậm. Dẫn chứng 2 trường hợp điển hình là Tổng CTCP BR-NGK Sài Gòn (Sabeco - SAB) và Tổng CTCP BR-NGK Hà Nội (Habeco – BHN). Nguyên nhân chính là do hiện nay, nhà nước thông qua Bộ Công Thương vẫn sở hữu đến 89,59% số CP tại SAB; 81,98% số CP của BHN khiến cho số CP còn tự do giao dịch bên ngoài rất ít ỏi.

Chính phủ đã ban hành Quyết định 58 với danh mục các công ty cụ thể cần phải thoái vốn. Tuy nhiên, mọi việc cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa, đồng thời phải có thêm nhiều giải pháp cụ thể mới thoát khỏi được tình trạng ì ạch như vừa qua. Bên cạnh đó, trong số 240 DNNN thuộc diện phải tái cơ cấu, sắp xếp, thì nhà nước chỉ thực sự rút lui vai trò chi phối đối với 106 DN.

Đối với 134 DNNN còn lại, nhà nước vẫn nắm cổ phần, phần vốn góp chi phối (trên 51%). Bởi vậy, chất lượng quản trị DN ở các DN này sẽ không có gì đột phá.

TS Võ Trí Hảo đặt vấn đề: Nên chăng đặt ra thủ tục xem xét kỷ luật cách chức người đứng đầu DNNN, kỷ luật khiển trách người đứng đầu cơ quan chủ quản nếu không tuân thủ tiến độ sắp xếp. Đồng thời nên có quy định cấm các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước tham gia mua lại phần vốn góp từ việc thoái vốn từ các DNNN cũng như không được góp vốn sở hữu chéo lẫn nhau.

4. Quỹ bình ổn xăng dầu Petrolimex còn trên 1.800 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Petrolimex, số dư quỹ bình ổn xăng dầu đầu kỳ tháng 2 còn trên 1.777 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 1/1 đến hết ngày 28/2/2017 còn trên 1.831 tỷ đồng. Số tiền chi sử dụng cho bình ổn giá xăng dầu đến ngày 28/2 đạt trên 343 tỷ đồng. Số dư cuối kỳ tính theo lũy kế đến hết tháng 2, quỹ bình ổn xăng dầu còn trên 1.800 tỷ đồng.

LH (Nguồn VP Bộ CT)