Lỗ hổng lớn trong ngành khai khoáng là bài viết đáng chú ý trên Diễn đàn doanh nghiệp 27/3. Bài viết phản ánh, từ năm 2010 đến nay, mặc dù khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản đang từng bước hoàn thiện tuy nhiên vẫn còn một câu hỏi lớn về khoảng cách giữa những chủ trương, quy định trên giấy và thực tiễn thi hành. Sau gần 10 năm xem xét, đến nay Việt Nam vẫn chưa tuyên bố rõ ràng về minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI).
Trước thực trạng thất thoát về thuế tài nguyên cũng như những yếu kém về quản lý và quản trị hoạt động ngành khai khoáng, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng tham gia EITI.
Bên cạnh đó, cũng có chuyên gia đưa ra ý kiến là có nên thay đổi cơ quan quản lý hay không? Cơ quan chủ trì của EITI hiện nay được giao cho Bộ Công Thương, tuy nhiên lộ trình của Bộ Công Thương gần như không tiếp cận được bởi chỉ gửi tham vấn tới một số bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ TN- MT và những bên liên quan. Để tiến trình cân nhắc EITI của Việt Nam nhanh hơn, đơn vị thực thi, chủ trì tham mưu cho Chính phủ nên được giao cho Bộ TNMT, Bộ Tài chính hoặc Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội bởi lẽ, theo bà Trần Thanh Thuỷ – đại diện Liên minh khoáng sản, Bộ TNMT là cơ quan nắm phần lớn các thông tin, số liệu mà EITI yêu cầu đưa vào báo cáo.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Nhập khẩu ồ ạt, hàng nội lao đao; Các dự án nhiên liệu sinh học của PV Oild: Mỗi năm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; Tìm giải pháp khắc phục nguy cơ thiếu điện tại miền Nam; Kinh doanh giảm sút, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV báo cáo.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Nhập khẩu ồ ạt, hàng nội lao đao.
Báo Người Lao động đưa tin: Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông sản tự nhiên lớn trên thế giới, sản phẩm được đánh giá cao nhưng người tiêu dùng lại tin dùng sản phẩm ngoại nhập. Mỗi năm, Việt Nam bỏ ra một số tiền khổng lồ để nhập khẩu những thứ trong nước dư thừa hoặc có thể tự sản xuất được.
Việt Nam đã tham gia hàng loạt FTA ,thế nhưng, bên cạnh cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập quốc tế, các DN nội địa cũng đối mặt áp lực cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với các nước trong khu vực khá tương đồng và sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước thấp hơn nên mức tăng trưởng nhập khẩu có những thời điểm tăng cao hơn xuất khẩu, tình trạng nhập siêu từ một số thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan… cũng tăng mạnh.
Tâm lý người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng nội, sính ngoại, dễ dãi trong tiêu dùng và thiếu thông tin đã dẫn đến nhiều hệ lụy và thiệt thòi lớn cho nông sản Việt. Giải quyết vấn đề này cần vai trò của cơ quan quản lý để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu nhằm hỗ trợ hàng nội địa. Đặc biệt, gốc của vấn đề là nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt bằng năng suất, chất lượng thì không thể chỉ hô hào mà phải xuất phát từ các giải pháp cụ thể.
2. Các dự án nhiên liệu sinh học của PV Oild: Mỗi năm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Tháng 10/2014, PV Oil góp vốn xấp xỉ 900 tỷ đồng vào các doanh nghiệp để triển khai dự án nhiên liệu sinh học. Theo Thông báo số 3129/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có góp vốn của PVN và các đơn vị thành viên, trong đó có PV Oil công bố gần đây, thực tế cho thấy nhiều hồi chuông báo động.
Cả 3 dự án (DA nhiên liệu sinh học Phú Thọ; DA Dung Quất; DA nhiên liệu sinh học Bình Phước) đều trong tình trạng “đắp chiếu” hoặc hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, trên chính trang web của Tổng công ty, nguyên nhân được lý giải: Thiếu nguyên liệu là một yếu tố khiến 3 nhà máy đang phải sản xuất với chi phí cao.
Bức tranh u ám này không chỉ gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước mà vấn đề đặt ra hiện nay là phải khắc phục, xử lý 3 nhà máy trên như thế nào. Để xảy ra thất thoát, lãng phí khổng lồ như vậy thì ai phải chịu trách nhiệm?
3. Tìm giải pháp khắc phục nguy cơ thiếu điện tại miền Nam.
Thông tin trên các báo cho biết, nguy cơ thiếu điện tại miền Nam vào những năm 2018-2019 là rất cao. Nếu không có giải pháp cụ thể để khắc phục thì chắc chắn tình trạng thiếu điện sẽ rất nghiêm trọng.
Hai khu vực miền Bắc, miền Trung đang thừa điện, trong khi đó, tình hình cung ứng điện tại miền Nam gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết nhu cầu điện cho miền Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các nhà máy nguồn điện, đặc biệt các nhà máy ở phía Nam, cùng với đó là nâng cấp các dự án truyền tải là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 và những năm tiếp theo.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để có thể đáp ứng yêu cầu điện đến năm 2030, riêng khu vực Tây Nam Bộ phải đầu tư 16 dự án nhiệt điện, cùng với đó phải đầu tư các dự án điện tái tạo, mua thêm điện của nước ngoài. Việc phát triển nhiệt điện cũng đặt ra nhu cầu rất lớn là phải xây dựng các cảng, kho để cung cấp than, khí cho các nhà máy.
4. Kinh doanh giảm sút, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV báo cáo.
Báo cáo của Bộ Tài chính về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn giảm sút là có nhiều vấn đề đáng lo ngại, khi một số dự án đầu tư kém hiệu quả, chưa thu hồi vốn đầu tư…
Do vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu TKV phải có báo cáo tổng thể tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, gửi Thủ tướng trước ngày 27 tháng 3. Trong đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh TKV phải đánh giá những kết quả tồn tại, nguyên nhân, thực trạng tình hình cùng những giải pháp cơ bản nhất về quan điểm, định hướng tái cơ cấu, từ đó có kiến nghị và đề xuất.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính, Tài nguyên - môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao để tăng cường giám sát hoạt động của TKV. Nghiên cứu xử lý kịp thời các kiến nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
LH (Nguồn VP Bộ CT)