[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 24/3/2017
Thứ sáu, 24/03/2017 - 15:58
Australia tăng biên độ phá giá nhôm ép của Việt Nam; Siết quản lý ô tô nhập khẩu theo diện biếu, tặng

Mỗi một lần qua tay, giá bán lẻ lại được thương nhân, tiểu thương đẩy lên cao hơn một chút, tới khi đến tay người dùng, giá bán lẻ của sản phẩm hàng hóa đã cao hơn gấp 3 - 4 lần, thậm chí là gấp 10 lần. Thực tế này, ai cũng biết, nhưng để tìm ra được “thuốc trị” có lẽ còn gian nan. Đây là phản ánh của bài viết “Ai đang thao túng giá bán lẻ?” đăng trên Thời báo Kinh doanh số ra hôm nay (24/3).

Trước thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội khẳng định, hàng hóa trên thị trường bán lẻ đang bị tác động bởi chi phí sản xuất và chi phí trung gian vô lý, chưa được khắc phục một cách bài bản, nên vẫn đang đứng ở một mức giá cần phải có những điều chỉnh xuống cho phù hợp.

Sự minh bạch của ngành bán lẻ, công tác quản và đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng hiện còn quá nhiều bất cập. Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, chỉ rõ đó là hiện tượng “cố tình ăn dày” Một trong những nguyên nhân được ông Phong chỉ ra là hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa của chúng ta qua quá nhiều tầng nấc. Trong mỗi tầng nấc đó, người tham gia phân phối phải làm sao bảo đảm có lãi.

Theo ông Phong, cần phải giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết như hiện nay. Thay vào đó, tại sao người nông dân không bắt tay trực tiếp với các DN, để sản xuất cung ứng hàng hóa cho DN. Việc ký kết hợp tác giữa nhà phân phối và vùng cung cấp hàng hóa là cần thiết. Dẹp bỏ bớt khâu thương lái, nhà vườn sẽ bán được giá tốt, mà người mua cũng được mua với giá hợp lý hơn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu về vấn đề minh bạch trong bán lẻ. Sau khi xem xét, tại Văn bản số 2409/VPCP-KTTH ngày 16/03/2017, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu xử lý triệt để vấn đề này.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Australia tăng biên độ phá giá nhôm ép của Việt Nam; Siết quản lý ô tô nhập khẩu theo diện biếu, tặng; 69% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ cung cấp điện; Điện mặt trời vẫn chờ... giá.

Thông tin cụ thể như sau:     

1. Australia tăng biên độ phá giá nhôm ép của Việt Nam.

Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Ủy ban Chống bán phá giá Australia đã điều chỉnh tăng biên độ phá giá sơ bộ đối với sản phẩm nhôm ép nhập khẩu từ Việt Nam. Với các bị đơn Việt Nam có hợp tác trong quá trình điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá, biên độ từ 6,9 - 17,5%. Mức dành cho các đơn vị không hợp tác là 34,9%. Mức thuế tạm nộp này bắt đầu có hiệu lực từ 23/3/2017.

2. Siết quản lý ô tô nhập khẩu theo diện biếu, tặng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính tính lại giá trị hải quan nhằm tăng cường quản lý xe nhập khẩu diện quà biếu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát lại các quy định nhằm không để xảy ra kẽ hở, buông lỏng trong quản lý, xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xe ô tô nhập khẩu theo diện quà biếu sẽ được tính lại giá trị hải quan khi thông quan để tránh thất thu thuế cho ngân sách.

3. 69% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ cung cấp điện.

Theo điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp của VCCI trong năm 2016, có 69% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ cung cấp điện của cơ quan điện lực, đứng thứ 2 trong nhóm các dịch vụ công, chỉ sau lĩnh vực viễn thông.

Mặc dù đã có những cải thiện được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong chỉ số tiếp cận điện năng Doing Business 2017 (tăng 5 bậc và 3,65 điểm so với đánh giá của Doing Business 2016), nhưng lĩnh vực này vẫn ở vị trí 96/190 nền kinh tế trên thế giới.

4. Điện mặt trời vẫn chờ... giá.

Các mô hình, dự án điện mặt trời đã phát triển ở miền Nam trong gần chục năm qua nhưng chưa thể phát triển mạnh vì chưa có cơ chế mua bán linh hoạt và giá bán điện cho công ty điện lực.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng, nhận xét: Dù có tiềm năng lớn nhưng năng lượng tái tạo cũng như điện mặt trời chưa phát triển mạnh ở VN là do cơ chế hỗ trợ chưa hấp dẫn, chi phí vận hành, giá thành cao nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Điện mặt trời từ các hộ gia đình hòa vào lưới điện về mặt kỹ thuật không phức tạp và chủ trương xã hội hóa là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên vấn đề phức tạp là cơ chế giá của nhà nước chưa hợp lý.

Theo Quy hoạch điện VII (đã điều chỉnh), đến năm 2020 điện mặt trời chiếm tỷ lệ 9,9% tương đương 850 MW. Tuy nhiên, dù đã có chủ trương phát triển điện mặt trời nhưng đến thời điểm này khi nhiều người dân đã đầu tư, nhiều DN muốn triển khai dự án thì lại bị vướng vì chưa có cơ chế về giá bán điện. Không có giá mua - giá bán chính là lý do không thu hút được người dân, DN tham gia.

LH (Nguồn VP Bộ CT)