[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 21/3/2017
Thứ ba, 21/03/2017 - 16:20
Quy hoạch địa điểm trung tâm điện lực Long An là thông tin được phản ánh nhiều ngày hôm nay trên mặt báo

Quy hoạch địa điểm trung tâm điện lực Long An là thông tin được phản ánh nhiều ngày hôm nay trên mặt báo. Xung quanh việc lựa chọn địa điểm, nhiều chuyên gia môi trường đã bày tỏ quan ngại về việc dự án trên không những gây ảnh hưởng về hoạt động kinh tế của TPHCM, mà còn có nguy cơ gây ra nguy hại về vấn đề môi trường.

Phía Bộ Công Thương khẳng định chỉ phê duyệt Quy hoạch khi đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với Quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, phù hợp với quy hoạch Quốc phòng an ninh và các quy hoạch chuyên ngành khác; Đảm bảo khả thi cho phát triển các dự án Nhà máy nhiệt điện Long An I, Long An II; phù hợp với định hướng về công nghệ áp dụng phải phù hợp với công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao trên trế giới cũng như có giải pháp xử lý phát thải đảm bảo môi trường, đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam hiện hành… Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án.


Tuy nhiên, phía UBND TPHCM đã có công văn số 7210/UBND-ĐT gửi Bộ Công Thương phân tích về những tác động mà nhà máy nhiệt điện trên có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố và đề nghị việc xây dựng nhà máy nằm tại khu vực này cần phải suy xét lại.

Bài viết Lao đao vì hàng nhái cũng là thông tin đáng chú ý khác đăng trên Sài gòn Giải phóng 21/3. Theo bài viết phản ánh, làm hàng giả dễ bị phát hiện, xử phạt cũng nặng hơn. Trong khi đó, luật và các văn bản dưới luật về xử lý hàng nhái còn chưa rõ ràng, nên vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì hàng nhái! Thực tế này cũng đang xảy ra tại 2 công ty: Công ty liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix) và Công ty TNHH Bột mì Đại Phong.

Suốt 2 tháng qua, 2 công ty trên phải thành lập tổ công tác chỉ để… đi kiện hàng nhái! Hai mặt hàng bán rất chạy của 2 công ty này là “Bột bánh xèo, bánh khọt Hương Xưa” Mikko và “Bột mì đa dụng (bột mì số 8)” đang bị một đơn vị khác làm nhái y hệt mẫu mã và tung ra bán khắp các chợ, từ thị trường miền Tây đến TPHCM. Công ty Đại Phong và Intermix phải chạy đôn chạy đáo từ văn phòng luật sư đến Cục Sở hữu trí tuệ, từ TPHCM đôn đáo ra Hà Nội để khiếu nại. Cuối cùng cũng đã có kết luận giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN). Cầm trong tay các văn bản này, doanh nghiệp lại tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến Thanh tra Bộ KH-CN, Ban chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường (QLTT) và chi cục QLTT các tỉnh, thành.

Tính đến thời điểm này, cả Chi cục QLTT Vĩnh Long và Chi cục QLTT Cà Mau đều đang đợi kết luận mẫu kiểm định thu được. Còn tại TPHCM, Chi cục phó Chi cục QLTT Nguyễn Văn Bách cho biết, mới nhận được đơn phản ánh của công ty và ông đã chỉ đạo các đội QLTT chuyên trách tìm hướng xử lý nếu các sản phẩm bày bán ở TP, đồng thời đề nghị DN cung cấp các địa chỉ đang kinh doanh, phân phối sản phẩm Hương Quê tại TPHCM để QLTT dễ xử lý. Tức là, DN vẫn phải chờ đợi...

Bài viết nhấn mạnh: Trong bối cảnh Nhà nước kêu gọi tích cực hỗ trợ DN (ưu đãi vốn vay, cơ chế, chính sách…) thì ngoài thị trường, “cuộc chiến” về các sản phẩm nhái, giả mạo, gần giống nhau diễn ra gay gắt nhưng vẫn chưa có cách nào “hạ nhiệt”. Không thể để DN đơn độc trong hành trình tìm lại công lý, rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chuyên trách về mọi mặt.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Vụ vỡ van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2: Có nguyên nhân liên quan chất lượng công trình; Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng: Mừng và lo!; Thuế giảm, ô tô nhập khẩu tăng đột biến.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Vụ vỡ van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2: Có nguyên nhân liên quan chất lượng công trình.

Thanh niên đưa tin: Sau sự cố vỡ van chiều 13.9.2016 gây thiệt hại về người và tài sản, Bộ Công Thương đã thành lập tổ điều tra với sự tham gia của Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương, các cơ quan và chuyên gia độc lập; Tổng công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC) được lựa chọn làm cơ quan tư vấn kiểm định nguyên nhân.

Qua xem xét, đánh giá ban đầu, Bộ Công Thương nhận định sự cố “có nguyên nhân liên quan đến chất lượng công trình chưa đảm bảo”. Tuy nhiên, Bộ Công Thương hiện vẫn đang chỉ đạo tổ điều tra và tư vấn kiểm định khẩn trương đánh giá nguyên nhân sự cố và làm rõ trách nhiệm các tổ chức, đơn vị liên quan.

2. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng: Mừng và lo!


Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã thay thế vị trí của Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Kết quả này được cho là sẽ phần nào giúp gánh nặng nhập siêu từ thị trường “khổng lồ” này giảm dần.

Trung Quốc được cho là là thị trường tiềm năng và hướng tới có thể “xem như thị trường trọng điểm” của Việt Nam khi các thị trường khác như Mỹ, châu Âu gặp khó khăn. Tuy nhiên, thị trường này có nhiều yếu tố rủi ro. Doanh nghiệp xuất khẩu sang đó phải hết sức thận trọng trong các hợp đồng, nhất là thủ tục thanh toán. Đánh giá tín hiệu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng là đáng mừng song các chuyên gia vẫn cho rằng chưa thể kết luận đây có phải là xu hướng lâu dài hay chỉ là hiện tượng nhất thời. Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đủ mạnh để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm tăng giá trị xuất khẩu.

3. Thuế giảm, ô tô nhập khẩu tăng đột biến.

Từ đầu năm đến nay, lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu về VN tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá trung bình nhập khẩu loại xe này cũng giảm khoảng 50%. Lượng nhập khẩu ô tô tăng nhanh được đánh giá là nguy cơ cho ngành công nghiệp ô tô và thách thức không nhỏ cho hạ tầng giao thông, môi trường của Việt Nam.

Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức: tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chưa đạt như mong muốn, giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực...

Theo ý kiến các chuyên gia, không thể kéo dài việc bảo hộ cho ngành ô tô vì tạo ra sức ì cho các DN. Bởi chính sách bảo hộ của Việt Nam cho ngành này đã quá lâu nhưng kết quả lại hoàn toàn không được gì, ngay cả tỷ lệ nội địa hóa cũng rất thấp.

Còn theo TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, ở đây là câu chuyện lớn hơn về phát triển ngành. Đó là chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam chưa thành công. Liệu có nên tiếp tục thực hiện hay không và có làm được không vẫn là câu hỏi lớn. Điều đó sẽ gắn liền với những tính toán sắp tới xoay quanh vấn đề này./.

LH (Nguồn VP Bộ CT)