[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 20/3/2017
Thứ hai, 20/03/2017 - 16:20
Mở 3 đợt cao điểm kiểm tra phân bón giả; Tìm thêm thị trường cho nông, thủy sản; Không dễ loại bỏ xăng A92; Sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh

Công nghiệp Việt Nam vẫn “mắc kẹt” ở bậc thứ 2? là tiêu đề bài viết đáng chú ý đăng trên Báo điện tử VOV News 19/3. Theo nội dung bài viết, cho đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp đóng góp lớn nhất vào kim ngạch XK là điện tử. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp vẫn thiên về phát triển chiều rộng, “đa nhưng không tinh”, chủ yếu là gia công lắp ráp.

Có thể thấy, một đặc điểm chung của nhiều ngành công nghiệp này là “sống” nhờ bảo hộ, dựa vào năng lực cạnh tranh, lợi thế so sánh của Việt Nam như nhân công, đất đai rẻ, khuyến khích hào phóng về về tài khóa, môi trường... Nhưng sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn.

Một chuyên gia nhìn nhận, khi thế giới đang ở ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng chúng ta về cơ bản vẫn đang bị “mắc kẹt” ở bậc thứ 2 đó là cơ giới hóa và dây chuyền lắp ráp.

Việt Nam còn đang ở vị trí thấp như vậy trong khi thế giới tiến nhanh, nước ta có dám chọn ngành công nghiệp ưu tiên chính xác không? Việc chọn ngành công nghiệp ưu tiên phải hết sức thận trọng nếu không sẽ tiêu tốn nguồn lực, mất thời gian và kẹt trong bài toán chưa có lời giải – bài viết nhận định.

Báo Đại Biểu Nhân Dân 20/3, đưa tin: Dự thảo Dự án Luật Quản lý ngoại thương hướng tới mục tiêu thống nhất hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương, tránh sự chồng chéo, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch. Tuy nhiên, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương do Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức vừa qua, có ý kiến lo ngại rằng, việc dự thảo Luật giao Bộ Công Thương vừa có quyền ra các quyết định quản lý, vừa có quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo xử lý vi phạm pháp luật về ngoại thương sẽ không tạo được cơ chế minh bạch có thể dễ xảy hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và tạo cơ chế minh bạch trong hoạt động quản lý ngoại thương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội đề nghị, nên chuyển chức năng thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về ngoại thương theo thẩm quyền cho một cơ quan khác ngoài Bộ Công Thương thực hiện. Các cơ quan đó có thể là Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát hay Tòa án… Có lẽ, sự lo ngại về tính minh bạch cũng là điều dễ hiểu khi quy định quyền lực cho một chủ thể quản lý nhưng lại chưa xây dựng cơ chế kiểm soát hoạt động để bảo đảm tính minh bạch. Đây cũng là vấn đề quan tâm của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) khi thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Mở 3 đợt cao điểm kiểm tra phân bón giả; Tìm thêm thị trường cho nông, thủy sản; Không dễ loại bỏ xăng A92; Sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Mở 3 đợt cao điểm kiểm tra phân bón giả.


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Bộ Công Thương triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017, nhằm phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, gia công phân bón vô cơ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sản xuất không có giấy phép nhằm trốn tránh pháp luật. Đặc biệt, là phát hiện những bất cập trong công tác quản lý phân bón nói chung, phân bón vô cơ nói riêng để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý phân bón.

2. Tìm thêm thị trường cho nông, thủy sản.

Báo chí trong thời gian này đưa tin, phản ánh nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt ở các thị trường truyền thống, đồng thời, nhiều quốc gia ngày càng gia tăng tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Những điều này đòi hỏi chúng ta phải xây dựng năng lực xuất khẩu bền vững cũng như tìm kiếm thêm các thị trường mới.

Gần đây, Việt Nam tiếp tục ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường, khu vực như Liên minh kinh tế Á Âu là cơ hội cho DN xuất khẩu mở rộng thị trường mới, khi các thị trường hiện tại đang bị cạnh tranh gay gắt.

Theo các chuyên gia, trong trung dài hạn, ngành nuôi trồng nông, thủy sản cần chuẩn bị tốt khâu tổ chức quy trình sản xuất để xây dựng năng lực xuất khẩu bền vững hơn. Bộ Công Thương cần tăng cường hỗ trợ sản xuất để thúc đẩy xuất khẩu nhằm tận dụng sự gia tăng giá xuất khẩu của thế giới, nhất là với các nhóm hàng có sự sụt giảm mạnh như nông, lâm thủy sản.

3. Không dễ loại bỏ xăng A92.


Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phương án thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng sinh học E5 trên toàn quốc từ năm 2018. Tuy nhiên, báo Pháp luật Tp.HCM cho rằng, việc loại bỏ xăng A92 không đơn giản, bởi một số lí do: người tiêu dùng chưa có thói quen mua xăng sinh học, đồng thời, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 là 270 đồng/lít nên không hấp dẫn người mua. Mặt khác, về phía các doanh nghiệp kinh doanh thì co biết, tiêu thụ xăng sinh học chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt rất cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị, nếu thay thế 100% xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học thì Chính phủ, bộ ngành chức năng phải có kế hoạch đảm bảo nguồn cung ethanol phục vụ sản xuất, phối trộn xăng sinh học E5, đồng thời cần có lộ trình cụ thể.

4. Sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh.

Số liệu từ Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với gần 2,74 triệu tấn, tương ứng trị giá hơn 1,49 tỷ USD, tăng một nửa so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam với hơn 1,53 triệu tấn, tương ứng trị giá hơn 786 triệu USD, tăng xấp xỉ 62% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

LH (Nguồn VP Bộ CT)