“Trung Quốc “bất ngờ” tăng đầu tư vào Việt Nam, có đáng lo?” là bài viết đáng chú ý trên báo Pháp luật TP.HCM. Theo nội dung bài viết, GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam vào các dự án sản xuất xơ sợi, nhựa… qua hai hình thức là rót vốn thực hiện dự án và mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam.
Theo PGS Trần Đình Thiên, đây thực sự là điều bất ngờ trong năm 2017 vì nhiều năm qua trong top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam hầu như ít có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc.
Trước thông tin đến tháng 7-2017 Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA mà chủ yếu là vốn vay ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng vốn từ Trung Quốc sẽ đổ vào Việt Nam.
Nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn đầu tư Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về môi trường, công nghệ… Các chuyên gia nhận định, Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với Trung Quốc mà quan trọng phải biết chọn lọc, sử dụng phát triển công nghệ, phát triển kinh tế.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thủ tướng chưa quyết định 'số phận' dự án thép Cà Ná; Ấn Độ kết luận sản phẩm sợi Việt Nam bán phá giá; Thương lái lợi dụng dịch cúm để ép giá; Đà Nẵng: Phát hiện kho xăng dầu lậu trong khu dân cư; Xuất khẩu giày dép: Doanh nghiệp FDI đi lên, doanh nghiệp nội tụt lùi.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Thủ tướng chưa quyết định 'số phận' dự án thép Cà Ná.
VnExpress và Tuổi trẻ đưa tin, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Công Thương đã trình và báo cáo Chính phủ về dự án thép Cà Ná, tuy nhiên Thủ tướng chưa quyết dự án vì chưa có căn cứ, cơ sở.
Thủ tướng đang yêu cầu các bộ ngành liên quan, mà trực tiếp là Bộ Công Thương có báo cáo đánh giá kỹ về dự án; yêu cầu Bộ Khoa học & Công nghệ báo cáo về vấn đề công nghệ, chất lượng dự án; đồng thời Bộ Tài nguyên & Môi trường có đánh giá về tác động môi trường...
Thông tin cho biết thêm, Dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng đến 2035 đã hoàn thiện dự thảo lần 2 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia và người dân. So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 đã có sự thay đổi đáng kể khi đã loại bỏ 12 dự án có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả hoặc do địa phương đề xuất. Đồng thời, cơ quan này cũng bỏ tên chủ đầu tư "đính kèm" với dự án, trong đó có cả Tập đoàn Hoa Sen vốn lâu nay được biết tới là nhà đầu tư dự án Thép Cà Ná - Ninh Thuận đang gây nhiều tranh cãi.
2. Ấn Độ kết luận sản phẩm sợi VN bán phá giá.
Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) đã ban hành báo cáo điều tra bản công khai trước khi ra kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi spandex nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và VN.
Theo đó, DGAD xác định, đối với các doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia nộp trả lời bảng câu hỏi, hợp tác đầy đủ, biên độ bán phá giá từ 1 - 10%. Đối với các doanh nghiệp khác không hợp tác đầy đủ trong vụ việc điều tra, DGAD tính toán biên độ phá giá dựa trên những thông tin có sẵn với biên độ phá giá từ 35 - 45%. Biên độ bán phá giá sản phẩm bị điều tra từ Trung Quốc là 5 - 55%; từ Hàn Quốc là 0 - 40%; từ Đài Loan là 55 - 65%.
3. Thương lái lợi dụng dịch cúm để ép giá.
Báo chí phản ánh, dù ở nhiều địa phương chưa ghi nhận ổ dịch nào, nhưng lợi dụng thông tin dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở một số địa phương, nhiều thương lái đã ép giá khiến bà con chăn nuôi lao đao.
4. Đà Nẵng: Phát hiện kho xăng dầu lậu trong khu dân cư.
Trên nhiều bài viết đưa tin: Sáng 9/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 1 tiến hành khám xét khẩn cấp kho hàng đóng tại số 06, đường Phan Đăng Lưu. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 lít xăng, dầu lậu các loại.
Làm việc với cơ quan công an, chủ cơ sở khai nhận, mỗi ngày đều thu mua xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau bán lại với giá chênh lệch từ 2.000 - 3.000 đồng/lít.
Chủ cơ sở đã không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ pháp lý nào có liên quan đến việc kinh doanh buôn bán xăng dầu và giấy chứng nhận an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Cùng ngày 9/3, Cục cảnh sát hình sự (C45) – phối hợp với nhiều đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đồng loạt tỏa ra nhiều hướng ở quận 2, 7 Nhà Bè (TP. HCM) bắt quả tang, khám xét nơi ở của hàng chục nghi can rút trộm xăng dầu đi tiêu thụ và pha trộn các tạp chất vào xăng để bán.
5. Xuất khẩu giày dép: Doanh nghiệp FDI đi lên, doanh nghiệp nội tụt lùi.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng giày dép các loại của doanh nghiệp Việt Nam tăng liên tục các năm gần đây. Nhưng tỷ trọng trong xuất khẩu toàn ngành của khối doanh nghiệp FDI đang lớn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước và giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm.
Về nguyên nhân, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (LEFASO) cho rằng, do khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường khiến doanh nghiệp trong nước chậm chân hơn trong việc mở rộng sản xuất, yếu sức cạnh tranh.
Mặc dù giới chuyên gia dự báo, năm 2017 có triển vọng tốt hơn cho xuất khẩu giày dép của Việt Nam bởi một số Hiệp định đi vào có hiệu lực (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)) được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài và đơn hàng vào ngành giày dép mạnh mẽ hơn, tuy nhiên, những cơ hội về thị trường mới chỉ là điều kiện cần, ngành giày dép Việt Nam muốn tăng trưởng mạnh hơn, tất nhiên cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn và tiếp cận thị trường. Đồng thời, cần sự nỗ lực của bản thân khối doanh nghiệp trong nước để cải thiện năng lực sản xuất, gia tăng chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
LH (Nguồn VP Bộ CT)