Cán bộ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nữ ngành Công Thương ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đơn vị nói riêng và toàn Ngành nói chung. Nhằm phát huy vai trò của lao động nữ, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) luôn tạo mọi điều kiện cho các chị em trong lao động cũng như cuộc sống.
CNVCLĐ nữ đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Công Thương
Chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ
Những năm gần đây, ngành Công Thương Việt Nam có không ít biến động do quá trình chuyển đổi sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp và tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại một số đơn vị gặp nhiều khó khăn… do đó công tác hỗ trợ, tạo mọi điều kiện bảo đảm quyền và lợi ích cho các CNVCLĐ, đặc biệt là lao động nữ luôn được CĐCTVN chú trọng.
Có thể nói, hầu hết các đơn vị trong ngành đã thực hiện tốt chế độ chính sách đối với lao động nữ như: Cấp phát quần áo, dụng cụ bảo hộ lao động, đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị công nghệ mới... bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng từng bước khắc phục các yếu tố độc hại như tiếng ồn, bụi, nóng bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Một số đơn vị có điều kiện quỹ đất còn ưu tiên dành một phần ngay từ khi quy hoạch để xây dựng khu bếp ăn tập thể, sân chơi thể thao, phòng tập yoga… hoặc nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ người lao động tại đơn vị. Tiêu biểu có thể kể đến như: Công đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty Thép, Công đoàn Tổng công ty CP Bia rượu NGK Sài Gòn, Công ty CP nhựa Bình Minh...
Ngoài ra, công đoàn các cấp cũng có chính sách tạo điều kiện hơn so với những điều khoản quy định trong Luật Lao động nhằm động viên hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần cho chị em như: Tăng thời gian nghỉ sau sinh, chị em nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi có thể cộng dồn thời gian nghỉ quy định 1 giờ/1ngày để nghỉ thành cả ngày làm việc, hỗ trợ kinh phí học tập cho con em...
Bà Tạ Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch CĐCTVN - chia sẻ, không chỉ lắng nghe, giải đáp tâm tư, nguyện vọng và các thắc mắc của lao động nữ trong ngành, cán bộ Ban Nữ công các cấp luôn chủ động trong các công tác tham mưu sửa đổi những chính sách chưa hợp lý, chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ.
Phát động thi đua lập thành tích
Cùng với việc chủ động đề xuất chính sách cho lao động nữ, CĐCTVN còn thực hiện công tác vận động nữ CNVCLĐ trong ngành tham gia các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Mẹ lao động giỏi - con học giỏi”…
Ngay từ đầu năm, các cấp công đoàn đã tổ chức cho chị em đăng ký phấn đấu danh hiệu phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tỷ lệ đăng ký tham gia của các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trung bình đạt 92%, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50%. Đồng thời, CĐCTVN cũng phối hợp chỉ đạo thực hiện các mục tiêu hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ và các chương trình hành động về Bình đẳng giới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CĐCTVN giai đoạn 2016-2020 và Chỉ thị của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Công Thương. Đây có thể coi là tiền đề, động lực cho sự phát triển của phụ nữ ngành Công Thương. Với mục tiêu đã đặt ra, cùng sự hỗ trợ giúp đỡ của ban lãnh đạo các cấp, CNVCLĐ nữ ngành Công Thương sẽ đạt được những thành tích tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị nói riêng và ngành Công Thương nói chung.
Cơ cấu cán bộ nữ ngành Công Thương hiện chiếm khoảng 44% tổng số hơn 11,5 triệu lao động toàn ngành. Với nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị, công tác bình đẳng giới đã đạt được kết quả trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ nữ.
Thu Hà