Sabeco, Habeco bị "bêu tên" vì "ém" báo cáo giám sát tài chính 2015 là thông tin được báo chí quan tâm, phản ánh nhiều trong ngày 27/2.
Bộ Tài chính vừa công khai danh sách 11 doanh nghiệp nhà nước doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa gửi hoặc gửi không đúng hạn các báo cáo đánh giá tình hình tài chính, báo cáo xếp loại doanh nghiệp năm 2015. Trong đó, có 3 doanh nghiệp là chưa gửi còn lại 8 doanh nghiệp gửi không đúng hạn hai loại báo cáo trên. Trong đó, Bộ Công Thương có một doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn công khai danh sách 10 người đại diện vốn tại DNNN nắm giữ trên 50% cổ phần chưa gửi hoặc gửi chậm báo cáo giám sát tài chính năm 2015 về Bộ Tài chính. Trong danh sách bị bêu tên có những doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương gồm: Tổng công ty cổ phần Bia- Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Cty CP Nhựa Việt Nam chậm gửi báo cáo.
Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan trên xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không nộp, nộp không đầy đủ, không đúng hạn các báo cáo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2017; xử lý người đứng đầu doanh nghiệp để thua lỗ theo quy định.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ ngàn tỷ vì đâu?; Nhiều doanh nghiệp được miễn trừ biện pháp tự vệ nhập khẩu thép dây sản xuất vật liệu hàn; Thuế về 0%, giá ô tô vẫn khó giảm sâu.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ ngàn tỷ vì đâu?
Báo cáo Kết luận thanh tra dự án Đạm Ninh Bình từ Bộ Công Thương mới đây đã chỉ ra 6 nguyên nhân chính dẫn tới dự án này không hiệu quả, thua lỗ. Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn một số thiếu sót trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án dẫn đến chi phí tăng cao.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đánh giá, thị trường tiêu thụ còn khó khăn, tình hình biến động giá nguyên liệu, vật liệu ảnh hưởng tới giá bán sản phẩm đạm thành phẩm, sản phẩm sản xuất ra chậm tiêu thụ, tồn kho lớn. Nguồn vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh còn thiếu, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa trên cơ sở vốn vay dẫn kến chi phí tài chính tăng cao…
2. Nhiều doanh nghiệp được miễn trừ biện pháp tự vệ nhập khẩu thép dây sản xuất vật liệu hàn.
Đầu tư đưa tin: Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp nhập khẩu thép dây sản xuất vật liệu hàn sẽ được miễn trừ sẽ được hoàn lại tiền thuế tự vệ đã nộp theo Quyết định số 2968/QĐ-BCT đối với các lô hàng nhập khẩu trong năm 2017. Trên cơ sở đánh giá hồ sơ dữ liệu của các doanh nghiệp, ngày 14 tháng 02 năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số công ty nhập khẩu thép dây có mã HS 7227.90.00 để sản xuất vật liệu hàn trong năm 2017.
Các doanh nghiệp được miễn trừ sẽ được hoàn lại tiền thuế tự vệ đã nộp theo Quyết định số 2968/QĐ-BCT đối với các lô hàng nhập khẩu trong năm 2017. Trình tự, thủ tục hoàn trả thuế tự vệ nộp thừa thực hiện theo quy định hiện hành. Đối với các doanh nghiệp chưa được cấp lượng miễn trừ, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) sẽ tiến hành thẩm tra và xác minh số liệu của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
3. Thuế về 0%, giá ô tô vẫn khó giảm sâu.
Đến 1.1.2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%. Người tiêu dùng trong nước đang tràn trề hy vọng được sở hữu ô tô với giá bằng ở Thái Lan, Malaysia... Trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, các đại diện của các hãng các cửa hàng kinh doanh ô tô cho biết trên lý thuyết, theo ước tính của một số nhà kinh doanh xe, khi thuế nhập khẩu về 0%, giá bán ra sẽ giảm tiếp 20% nữa. Mức giá giảm không cao nên có nhiều nhận đạinh năm 2018 sẽ có cạnh tranh về chủng loại xe khi sẽ có nhiều mẫu xe mới được nhập khẩu từ khu vực ASEAN.
Theo các chuyên gia năng lượng cho biết thực tế xe lắp ráp từ Thái Lan rẻ gần bằng nửa giá thành xe lắp ráp tại Việt Nam và Việt Nam không có ngành công nghiệp ô tô mà chỉ lắp ráp gia công cho nên chắc chắn lắp ráp trong nước sẽ hụt hơi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng tính với các nhà kinh doanh cho rằng, việc giá xe Việt Nam giảm hay không còn phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)