Phóng sự có tiêu đề “Báo động nạn bán hàng đa cấp lừa đảo” đăng trên Sài Gòn giải phóng phản ánh, thị trường đang xuất hiện nhiều loại hình bán hàng không lành mạnh.
Phổ biến nhất vẫn là bán hàng đa cấp, bán thực phẩm chức năng dưới dạng cây sức khỏe, công khai huy động vốn đa cấp, khai khống hồ sơ để vay vốn ngân hàng, dụ người dân vào các tổ chức kinh doanh tiền ảo… Sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành rà soát và “khai tử” hàng loạt công ty kinh doanh đa cấp, tình hình có khả quan hơn, tuy nhiên,các doanh nghiệp đa cấp còn lại thì tăng cường thu hút người tham gia với nhiều chiêu trò, mánh khóe tinh vi hơn, đòi hỏi sự quản lý của cơ quan nhà nước cần chặt chẽ và linh hoạt hơn.
Cũng liên quan đến công tác quản lý kinh doanh đa cấp, trên các báo ngày hôm nay 22/2 cũng đăng tải thông tin về việc Bộ Công Thương dừng hoạt động 2 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, là Công ty TNHH Triwonder International và Công ty TNHH Isagenix Việt Nam do có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Nhiều bộ ngành phải báo cáo kết quả hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Công Thương: Không dùng ngân sách để bù lỗ cho bất kỳ dự án nào; Bất cập trong xử lý thuốc lá lậu; Đề xuất bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh gas .
Thông tin cụ thể như sau:
1. Nhiều bộ ngành phải báo cáo kết quả hỗ trợ doanh nghiệp.
Báo chí đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc chuẩn bị sơ kết 1 năm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng báo cáo phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ; các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ nay đến khi tổ chức Hội nghị vào cuối tháng 3, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP; tổ chức đối thoại công khai với cộng đồng doanh nghiệp để xử lý dứt điểm, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và trên địa bàn.
2. Bộ Công Thương: Không dùng ngân sách để bù lỗ cho bất kỳ dự án nào.
VTV đưa tin: Mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất tới Bộ Công Thương xin hoãn thời gian cổ phần hóa Nhà máy Đạm Ninh Bình cho đến khi nào nhà máy này sản xuất kinh doanh có lãi do từ khi đi vào hoạt động đến nay, Đạm Ninh Bình đã thua lỗ gần 2.700 tỷ đồng.
Trước đề xuất này, Bộ Công Thương cho biết, quan điểm của Bộ là không dùng ngân sách để bù lỗ cho các dự án thua lỗ và yếu kém. Quan điểm của Chính phủ cũng không sử dụng ngân sách nhà nước cho các dự án này.
Để cổ phần hóa được phải có những tiêu chí, ví dụ như vốn chủ sở hữu phải dương. Tuy nhiên, hiện tại Nhà máy Đạm Ninh Bình không đủ điều kiện để cổ phần hóa. Do đó, Bộ sẽ cố gắng thúc đẩy hoạt động sản xuất của nhà máy này lên, đến bao giờ có lãi Bộ mới tiến hành cổ phần hóa và cho tư nhân mua.
3. Bất cập trong xử lý thuốc lá lậu.
Việc có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định xử lý thuốc lá lậu đã gây lúng túng cho cơ quan quản lý khi áp dụng.
Hiện có 4 luật và các nghị định quy định chi tiết thi hành luật có nội dung trực tiếp liên quan đến việc xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nhập lậu. Đó là: Luật Thương mại năm 2005 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật; Luật Đầu tư năm 2014; các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 1999.
Để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, trong thời gian Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực , Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng tổ chức cuộc họp liên ngành giữa các bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên qua khác, xin chủ trương áp dụng pháp luật để xử lý, góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm này trong thời gian tới.
4. Đề xuất bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh gas.
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí để trình Chính phủ.
Theo nội dung tờ trình, từ thực tế lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thuộc Bộ Công Thương,…Bộ Công Thương đề xuất bỏ các điều kiện về quy mô kinh doanh như cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu, số lượng chai chứa LPG. Việc bỏ các quy định này nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất bỏ các điều kiện trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, trạm cấp khí phải thuộc sở hữu của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phân phối khí.
Ngoài ra, Để hạn chế tình trạng chiếm dụng trái phép, tranh giành chai LPG; nạn cưa tai mài vỏ chai LPG diễn ra thường xuyên gây mất an toàn, cháy nổ, ảnh hưởng đến tính mạng của con người khi sử dụng gas, Bộ Công Thương sẽ bổ sung một chương quy định riêng về quản lý an toàn trong hoạt động kinh doanh khí...
LH (Nguồn VP Bộ CT)