[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 20/02/2017
Thứ hai, 20/02/2017 - 15:39
Quản lý an toàn thực phẩm: 1 triệu dân - 1 cán bộ quản lý; Quản lý vật liệu nổ công nghiệp... trên giấy; Bốn doanh nghiệp Việt muốn kiểm soát chặt thép mạ nhập khẩu

Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại mà Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ vẫn là nội dung được các báo quan tâm, phân tích trong những ngày qua.

Báo Đấu thầu ngày hôm nay nhận định, việc ban hành Danh mục có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ đã quyết liệt thực hiện trong suốt những năm vừa qua và đây được coi như là một hình thức “khóa cánh cửa” bình đẳng đối với doanh nghiệp tư nhân

Bên cạnh đó, việc ban hành Danh mục có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, bởi khi nhìn vào họ sẽ thấy có sự phân biệt đối xử, xu thế cải thiện môi trường kinh doanh mà Việt Nam nỗ lực thực hiện thực tế không hiệu quả. Các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế có thể sẽ có cái nhìn tiêu cực về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Một thông tin khác cũng được các báo quan tâm phản ánh ngày hôm nay 20/2 về công tác tăng cường ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc trước nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm vào Việt Nam. Hiện Bộ NN&PTNT đang cùng hải quan, công an, quản lý thị trường… các tỉnh biên giới kiểm soát chặt chẽ đến từng các thôn bản, khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Trước nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, hạn chế thiệt hại về kinh tế, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Quản lý an toàn thực phẩm: 1 triệu dân - 1 cán bộ quản lý; Quản lý vật liệu nổ công nghiệp... trên giấy; Bốn doanh nghiệp Việt muốn kiểm soát chặt thép mạ nhập khẩu; “Vỡ mộng” cây sắn tỷ đô; Tồn kho gần 1 triệu tấn gạo trong tháng Một; Cá tra Việt Nam bị phản ánh sai lệch trên sóng truyền hình Tây Ban Nha.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Quản lý an toàn thực phẩm: 1 triệu dân - 1 cán bộ quản lý!


Sài Gòn giải phóng phản ánh việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương TP.HCM trong 2 năm 2015 và 2016. Theo báo cáo của Sở Công Thương Tp.HCM, bên cạnh những mặt đạt được, sau 2 năm triển khai công tác về ATTP của ngành Công Thương TPHCM vẫn còn những tồn tại. 

Nguồn kinh phí để triển khai các công tác đảm bảo ATTP của ngành Công Thương chưa được quan tâm, phân bổ kịp thời, phù hợp với thực tế quy mô, phạm vi quản lý của ngành. Công tác kiểm tra, kiểm soát chưa toàn diện, chuyên sâu, có lúc còn bị động trong công tác phối hợp giữa các ngành y tế, nông nghiệp và các ngành liên quan.

Đáng lưu ý, lực lượng cán bộ phụ trách ATTP ngành Công Thương TPHCM hiện nay còn rất hạn chế, quá trình triển khai công tác còn gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Công Thương, số cán bộ được bố trí làm công tác ATTP chỉ có 9 người, tương ứng với tỷ lệ 1 triệu dân mới có 1 cán bộ chuyên trách.  

2. Quản lý vật liệu nổ công nghiệp... trên giấy.

Thanh niên đưa tin, liên tục 2 vụ mất cắp đến hơn 9.200 kíp nổ các loại chỉ trong khoảng 6 tháng cuối năm 2016 tại 2 mỏ đá của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lộ ra nhiều bất cập trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp. Hệ thống kho chứa và công tác quản lý, bảo đảm an toàn trong quản lý tại các mỏ khoáng sản nói chung còn bộc lộ nhiều sơ hở.

Quy định một đàng nhưng thực tế lại một nẻo. Theo Quy chuẩn KTQG về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp do Bộ Công thương ban hành năm 2008 (gọi tắt là QCVN 02:2008) nêu rõ: “Tất cả các kho VLNCN đều phải có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp có vũ trang, canh gác suốt ngày đêm”. Riêng điều khoản này thì hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa triển khai được lực lượng chuyên nghiệp có vũ trang tại các kho chứa VLNCN là vì ngành công an có quy định khác về quản lý và sử dụng vũ khí.  

3. Bốn doanh nghiệp Việt muốn kiểm soát chặt thép mạ nhập khẩu.


Ngăn chặn thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc vào thị trường nội địa tiếp tục được nguyên đơn là 4 doanh nghiệp Việt Nam (CTCP China Steel Sumikin Việt Nam, Công ty TNHH Tôn Phương Nam, CTCP Thép Nam Kim, CTCP Tôn Đông Á) giữ nguyên quan điểm. Cụ thể, nguyên đơn đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tại quyết định cuối cùng, rà soát lại hồ sơ, dữ liệu của các DN bị điều tra nhằm bảo đảm tính toán biên độ phá giá chính xác và xem xét áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực cho giai đoạn 90 ngày trước ngày áp thuế sơ bộ. Việc tính toán mức bán phá giá hợp lý nhằm ngăn chặn sản phẩm thép mạ bán phá giá vào Việt Nam là rất cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Trước đó, ngày 1/9/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 3584/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam. 8 công ty Trung Quốc bị áp thuế ở mức 4,02 - 38,34%, doanh nghiệp Hàn Quốc bị áp mức thuế chống bán phá giá 12,4 - 19%.

Phản kháng trước việc sản phẩm đưa vào Việt Nam bị áp thuế 12,4%, đại diện Công ty Posco Hàn Quốc cho rằng, vụ việc này không có thiệt hại/đe dọa gây thiệt hại đáng kể đến ngành sản xuất VN. Trong khi đó, phía TQ cho rằng các sản phẩm nhập từ phía TQ không cạnh tranh với sp trong nước vì có những khác biệt. 

4. “Vỡ mộng” cây sắn tỷ đô.

Dân Việt phản ánh, mấy năm gần đây, việc trồng sắn diễn ra khá mạnh từ Bắc tới Nam và sắn đã được Bộ Công Thương đưa vào danh mục 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sắn đang rơi vào tình trạng ế ẩm, giá giảm mạnh vì phía Trung Quốc giảm thu mua. Dự báo trong thời gian tới, giao dịch tinh bột sắn Việt Nam đi Trung Quốc  sẽ tiếp tục giảm do các nhà máy chế biến và sản xuất thực phẩm tại nước này phải cắt giảm công suất, hoặc ngừng sản xuất. Đây không phải là lần đầu tiên việc phụ thuộc một thị trường, mà cụ thể là Trung Quốc, đã gây ra nhiều hệ lụy. 

5. Tồn kho gần 1 triệu tấn gạo trong tháng Một.

Báo chí đưa tin: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp trên cả nước lên tới hơn 955.900 tấn. Trong đó việc xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo đánh giá của VFA, tình hình xuất khẩu gạo năm nay sẽ tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới sút giảm, xuất khẩu sang thị trường TQ không còn dễ dàng như trước, nhiều nước tăng xuất khẩu…  

6. Cá tra Việt Nam bị phản ánh sai lệch trên sóng truyền hình Tây Ban Nha.

Dân trí đưa tin, chính vì tiêu chí giá rẻ đã khiến cá tra Việt Nam bị một số nhóm cạnh tranh lợi ích với cá tra tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha truyền thông tiêu cực trong nhiều năm từ năm 2010.

Đầu năm 2017, Đài truyền hình Cuatro TV, Tây Ban Nha đã phát sóng thông tin nội dung không chính xác và bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mekong. Về cơ bản, họ kết luận những điểm để cố gắng trả lời vì sao cá tra VN có giá rẻ và kết luận khuyến cáo mỗi người không nên ăn cá tra quá 2 lần/tháng. 

Cá tra Việt Nam được công nhận có những thế mạnh về giá cả phải chăng, hương vị thơm, đã được rút xương và dễ chế biến, cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa. Nhưng chính vì tiêu chí giá rẻ đã khiến cá tra Việt Nam bị một số nhóm cạnh tranh lợi ích với cá tra tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha truyền thông tiêu cực trong nhiều năm từ năm 2010.

LH (Nguồn VP Bộ CT)