[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 15/2/2017
Thứ tư, 15/02/2017 - 21:39
Báo chí trong hai ngày 14, 15/2 quan tâm, đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vấn đề một số doanh nghiệp ôtô có thể rút khỏi Việt Nam

Báo chí trong hai ngày 14, 15/2 quan tâm, đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vấn đề một số doanh nghiệp ôtô có thể rút khỏi Việt Nam. Báo chí phản ánh: Với sự dậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Takimoto Koji Trưởng đại diện Tổ chức XTTM Nhật Bản (JETRO) nhận xét về xu hướng đầu tư của một số doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam thời gian tới có thể thay đổi, như các doanh nghiệp đang sản xuất xe hơi tại Việt Nam có thể rút khỏi Việt Nam chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia...

Lí do, công nghiệp hỗ trợ được xem như là nền móng cho các ngành sản xuất xe hơi ở Việt Nam lại không có tiến triển gì, tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp. Để phát triển được ngành công nghiệp xe hơi thì làm sao phải bán được nhiều xe hơi, trong khi xe hơi ở Việt Nam đang phải gánh rất nhiều phí, khiến giá còn cao.

Báo chí phản ánh, vài năm trở lại đây, đã không ít lần đại diện các tập đoàn ô tô Nhật Bản kêu khó về chính sách và úp mở về khả năng rút nhà máy khỏi Việt Nam. Nhưng trên thực tế, nhiều năm qua, các thống kê cho thấy doanh nghiệp này vẫn có mức lợi nhuận đáng mơ ước. Có thể đây chỉ là động thái của Toyota nhằm xin thêm các ưu đãi.

Bình luận về vấn đề này, nhiều độc giả cho rằng: Thị trường ô tô Việt Nam thuộc dạng bé hạt tiêu nhưng nhà nước còn tìm cách giảm lượng ô tô nữa thì sản xuất ra bán cho ai? Rút là đúng! hạ tầng giao thông có phát triển đâu mà đi ô tô, công nghiệp phụ trợ thì có ai nghiên cứu đâu mà phát triển bởi nó không dể kiếm tiền; Công nghiệp ôtô Việt Nam là cái chết được báo trước do chính sách sai lầm giống như ngành công nghiệp điện tử vậy. Sản lượng ít mà đòi nội địa hóa,chính sách nội địa hóa không có ràng buộc, chính sách thuế lại kìm hãm thì sao mà phát triển; hay, muốn đất nước phát triển thì phải đi tắt đón đầu chứ giờ mà còn đầu tư vào ôtô nhiên liệu nữa thì chẳng có tương lai gì...

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ đấu thầu tại nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; Xin hoãn cổ phần hoá Nhà máy Đạm Ninh Bình đến khi có lãi; Doanh nghiệp phân bón kêu thua lỗ vì giá than tăng; Thi công bãi xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 gây ô nhiễm môi trường.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ đấu thầu tại nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ nội dung tố cáo và thông tin báo chí nêu liên quan đến việc đấu thầu gói thầu M05 – Hệ thống khử lưu huỳnh thuộc dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Trước đó, Báo Gia đình Việt Nam đã thông tin về việc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hệ thống khử lưu huỳnh (FGD) cho dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Trong hai nhà thầu đáp tham gia đấu thầu là Hamon và KC Cottrell, đáng lẽ nhà thầu KC Cottrell sẽ trúng thầu vì phần lớn thiết bị đều có nguồn gốc từ EU/G7 và Hàn Quốc, không có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhằm đảm bảo chất lượng dự án.

Tuy nhiên phía Tập đoàn dầu khí Việt Nam bất ngờ yêu cầu cho các nhà thầu chào lại giá và nêu rõ là chỉ đánh giá nguồn gốc xuất sứ của 13 thiết bị chính (40/% giá trị gói thầu), không đánh giá toàn bộ nguồn gốc xuất xứ thiết bị phụ (chiếm 60%) với lý do nếu đánh giá toàn bộ thiết bị thì sẽ có lợi cho nhà thầu KC Cottrell và bất lợi cho nhà thầu Hamon.  

2. Xin hoãn cổ phần hoá Nhà máy đạm Ninh Bình.

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tình hình cổ phần hoá trong quý 4/2016. Trong báo cáo này, Vinachem cho biết gặp khó khăn về nguồn vốn trả nợ và triển khai các dự án đầu tư. Đáng chú ý, tiến trình cổ phần hoá tại Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn. Vinachem đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét cho phép lùi cổ phần hoá Đạm Ninh Bình, cho đến khi những khó khăn của công ty được tháo gỡ và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có lãi, đảm bảo cổ phần hoá có hiệu quả.

Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, Vinachem kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương cho phép tập đoàn được chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình thoái hết vốn, bán bớt vốn tại các doanh nghiệp đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Theo đề án, Vinachem sẽ thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ Vinachem giai đoạn 2017 - 2019, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ 51 - 65% vốn điều lệ. Như vậy, Nhà nước có thể bán tối đa tới 49% vốn nắm giữ tại đây.  

3. Doanh nghiệp phân bón kêu thua lỗ vì giá than tăng.


Pháp luật Việt Nam phản ánh: Cuối năm 2016, TKV điều chỉnh giá bán cho 8 loại than cám theo hướng cao hơn giá bán trước đây. Điều này khiến nhiều DN phân bón và nhiệt điện cho là  bất hợp lí bởi thị trường thế giới chứng kiến xu hướng giảm giá xăng dầu và than đá. Việc TKV tăng giá bán than buộc DN sản xuất phân bón tăng giá bán sản phẩm, gây ảnh hưởng đến người nông dân khi vụ sản xuất mới chuẩn bị bước vào mùa.

Đại diện Tập đoàn TKV cho rằng, việc tăng giá bán than tuân theo quy luật thị trường. Bên cạnh đó, việc khai thác than ngày một khó khăn, tốn nhiều chi phí. Do đó, việc tăng giá than cũng là đảm bảo việc kinh doanh than có lãi, đảm bảo cuộc sống lao động ngành than.

Cuối năm 2016, trong kiến nghị với Chính phủ và Bộ Công Thương, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành than, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV TKV đã đề nghị có chính sách ưu tiên các DN trong nước sử dụng than sản xuất trong nước. Thế nhưng, việc than nhập ngoại rẻ hơn than trong nước khiến nhiều DN sử dụng than quay lưng lại với sản phẩm của TKV. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến năm 2016 ngành than ở tình thế khó khăn.  

4. Thi công bãi xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 gây ô nhiễm môi trường.

Báo Thanh niên trích dẫn ý kiến của Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Đỗ Văn Thái thừa nhận việc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, do các nhà thầu Trung Quốc thiết kế và thi công) đang thi công bãi xỉ than gây khói bụi, ô nhiễm môi trường “khá nghiêm trọng” do không thực hiện đúng với đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được duyệt.

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc Công ty điện lực Vĩnh Tân 1, biện minh do mấy ngày vừa qua gió khá mạnh gây ra tình trạng ô nhiễm bụi. Trong khi đó, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân (thuộc Tập đoàn EVN) Võ Minh Thắng cho biết: “Do Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chưa đầu tư hệ thống nước vào bãi xỉ nên quá trình thi công đã gây khói bụi”.

Phóng viên đã có mặt tại hiện trường phản ánh: Bãi đất rộng (58 ha) toàn cát, đất xốp mịn được nhà máy san lấp tạo mặt bằng (ngay sát bãi xỉ của Nhà máy Vĩnh Tân 2). Đến khoảng 14 giờ, gió xoáy từ chân núi dội ra tạo thành những cơn lốc thổi đất cát mù mịt một vùng trời. Một người dân địa phương cho hay: “Những trận khói bụi như vậy thường kéo dài đến khoảng 16 giờ mới giảm, khi gió yếu dần”. 

LH (Nguồn VP Bộ CT)