[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 13/2/2017
Thứ ba, 14/02/2017 - 23:02
Từ cuối tuần qua, các chính sách do Bộ Công Thương ban hành được nhiều cơ quan thông tấn báo chí đăng tải, được dư luận quan tâm

Từ cuối tuần qua, các chính sách do Bộ Công Thương ban hành được nhiều cơ quan thông tấn báo chí đăng tải, được dư luận quan tâm: 

Thứ nhất, Dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương công bố (trong đó sẽ có 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền như sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết; phát hành tem bưu chính Việt Nam...) nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, thời điểm hiện nay, việc ban hành một nghị định hướng dẫn về độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phi thị trường, cản trở cạnh tranh, đi ngược lại xu thế cải cách, không phù hợp trong bối cảnh cả guồng máy đang nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khởi nghiệp.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã gửi Dự thảo tới các hội viên để có thêm các ý kiến phản biện, hoàn thiện bản kiến nghị về việc xem xét lại Dự thảo này. Hiện tại, đang có nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm tư nhân tham gia những ngành như xuất bản, nhập khẩu xì gà, quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch... là chưa thuyết phục. Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, những ngành trên đều có thể mở rộng cho các doanh nghiệp tư nhân làm.

- Thứ hai, nhiều báo quan tâm dẫn đăng công thư của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia nêu quan ngại trước ảnh hưởng tiêu cực của lệnh tạm ngừng nhập khẩu đối với ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam, những khó khăn, tổn thất mà người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang đối mặt và đề nghị Chính phủ Australia cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh cấm này. 

- Thứ ba, thông tin đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa để nắm bắt tình hình thực tế, nhằm xây dựng cơ chế quản lý giá phù hợp đối với mặt hàng sữa và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Về vấn đề quản lý giá sữa thời gian qua, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), cho rằng hiện nay việc quản lý giá sữa ở nước ta còn nhiều bất cập. Cụ thể là phương thức quản lý còn buông lỏng dẫn đến việc giá mặt hàng này đã có lúc ở tình trạng tăng đột biến. Ngoài ra, việc kê khai giá sữa của các doanh nghiệp mới chỉ là hình thức. Đơn cử như việc doanh nghiệp tự kê khai giá cao ngất ngưởng, sau đó lại hạ xuống là vừa. Trước đó vào ngày 19.1, Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được áp dụng đến hết tháng 3.2017.

Rất đáng lưu ý, Báo Tiền phong tiếp tục vệt bài liên quan đến Lãnh đạo Bộ Công Thương và được nhiều báo dẫn lại như Dân trí, Vietnamnet, Vnexpress… Báo Tiến phong tiếp tục dẫn dắt, tạo dư luận khi liên tiếp phỏng vấn các luật sư, đại biểu Quốc hội và hôm nay là nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo theo ý: việc lãnh đạo một cơ quan chủ quản lại có cổ phần tại doanh nghiệp trực thuộc dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, như việc bổ nhiệm cán bộ, phân chia lợi nhuận, rồi lấy danh nghĩa để các thành viên trong gia đình đứng tên… Thời gian tới, Báo Tiền phong và một số báo tiếp tục khai thác nội dung này, tạo sức ép, gây dư luận, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của Bộ và Lãnh đạo Bộ.

* Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được ban hành ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu có một nội dung rất đáng chú ý. Đó là Thủ tướng chỉ thị cho Bộ Tài chính ngay trong quí 2-2017 phải trình cấp có thẩm quyền quy định về bán toàn bộ tập đoàn, tổng công ty nhà nước. chỉ thị đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Thủ tướng cùng với cơ chế bán toàn bộ tập đoàn, tổng công ty sẽ là một “liều thuốc mạnh” buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cải cách. 

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Vinachem “kêu” khó trả nợ do thiếu vốn; Xung quanh thuế bảo vệ môi trường; Việt Nam sắp có 116 kho bãi thúc đẩy xuất nhập khẩu; Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn;Về việc kiểm tra hiệu suất năng lượng; Nhà máy của Cty Cổ phần Ôtô Trường Hải hoạt động trở lại sau khi bị cháy.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                         

1. Vinachem “kêu” khó trả nợ do thiếu vốn. 


Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp quý IV và năm 2016. Vốn điều lệ của Vinachem đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định số 190 năm 2013 là 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ đến thời điểm 30/6/2016 là 13.818 tỷ đồng, vẫn thiếu khoảng 2.200 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ được phê duyệt, dẫn đến khó khăn cho nguồn vốn trả nợ và triển khai các dự án đầu tư của tập đoàn.

Bên cạnh đó, tình hình thị trường không thuận lợi và lượng vốn của các doanh nghiệp ngành hóa chất khi thực hiện cổ phần hóa là tương đối lớn, nên Vinachem tự đánh giá, bản thân tập đoàn khó tìm được cổ đông chiến lược. Đặc biệt, tập đoàn cho biết, trong công tác cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình còn gặp những khó khăn, vướng mắc. 

Trong văn bản này, Vinachem cũng đề nghị được tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn, dự kiến ít nhất 5.000 tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước từ trên 51% đến dưới 65% vốn điều lệ.

2. Xung quanh thuế bảo vệ môi trường: Thu 4 đồng, chi 1 đồng. 

Báo chí quan tâm dẫn đăng ý kiến góp ý của một số bộ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính xây dựng. Cụ thể, Bộ Tư pháp nhận xét dự thảo còn sơ sài; báo cáo đánh giá tác động chưa nêu bật được nội dung của chính sách, không có đánh giá tác động định lượng mà chỉ sử dụng phương pháp định tính, trong khi mức thuế bảo vệ môi trường lại tăng 2,5 lần so với quy định hiện hành. Bộ Tư pháp đề nghị đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn, lên gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa. Bộ Ngoại giao đề nghị cân nhắc kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế, phí; bổ sung đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với phương án nâng mức sàn, mức trần biểu khung thuế của xăng trong dự thảo báo cáo.

Tuy nhiên trong các văn bản góp ý về dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường, các bộ, ngành đều đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc với mức khung thuế mới. Đặc biệt có góp ý của ông Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế (VCCI) cho rằng "không thể lấy cớ bù hụt thu ngân sách bằng cách nâng khung thuế với xăng, dầu". Bởi theo vị này, ngoài xăng dầu còn nhiều mặt hàng mà việc sử dụng nó cũng gây ô nhiễm môi trường không kém, chẳng hạn than, song lại không bị đánh thuế cao như xăng dầu. Hiện thuế với than chỉ bằng khoảng 1/400 của xăng (quy đổi theo tấn), là chưa hợp lý. 

3. Việt Nam sắp có 116 kho bãi thúc đẩy xuất nhập khẩu.

 Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 229/QĐ-BCT phê duyệt đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Lào và biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035".Theo đề án này, hệ thống kho bãi khu vực biên giới cửa khẩu Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia là quy hoạch mở, phát triển cửa hàng theo địa giới hành chính khu vực cửa khẩu; địa điểm xây dựng kho bãi do chủ đầu tư lựa chọn trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí xây dựng kho bãi.

Theo đó, dự kiến quy hoạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035, hệ thống kho bãi tại các khu vực cửa khẩu này cả đang khai thác và chuẩn bị đưa vào hoạt động là 53, xây dựng mới 63 kho bãi. Tổng số kho bãi đến năm 2035 trên toàn tuyến vào khoảng 116 kho bãi.

Đến năm 2035, các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào và biên giới Việt Nam - Campuchia có hệ thống kho bãi hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng được 100% nhu cầu về kho bãi của hàng hóa xuất nhập khẩu; cung cấp trọn gói  theo hướng tích hợp đồng bộ các dịch vụ logistics gắn với kho bãi; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển nhanh và bền vững..

4. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

 Báo Tin tức có bài viết phản ánh theo đó, các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều giảm lượng tiêu thụ (Mỹ giảm 4,8%; Nhật Bản giảm 1,7%; Hàn Quốc giảm 4%...). Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định năm 2017 và những năm tiếp theo, dệt may Việt Nam là đối tượng cạnh tranh của nhiều nước, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm sóc tốt bạn hàng, đầu tư “chất xám” cho sản phẩm.

5. Về việc kiểm tra hiệu suất năng lượng.

 Báo Hải Quan phản hồi thông tin cho biết, trước vướng mắc của Tổng cục Hải quan trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa NK là các phương tiện, thiết bị trong các dây chuyền sản xuất, Tổng cục Năng lượng-Bộ Công Thương cho biết, sẽ đánh giá chuyên môn từng trường hợp cụ thể để xác nhận trường hợp không thực hiện kiểm tra hiệu suất năng lượng. Trước đó, trong văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cho biết, khi giải quyết thủ tục NK đối với một số mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu nhưng được tích hợp trong máy móc, dây chuyền sản xuất, có trường hợp Tổng cục Năng lượng hướng dẫn không phải thực hiện dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng.

Để thống nhất thực hiện, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn đối với trường hợp NK các lô hàng giống hệt, tương tự của các DN khác thì cơ quan Hải quan có thể căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Năng lượng để giải quyết thông quan hàng hóa hay không? .

6. Nhà máy của Cty Cổ phần Ôtô Trường Hải hoạt động trở lại sau khi bị cháy. 

Ngày 12/2, UBND tỉnh Quảng Nam và Cty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức họp báo công bố thiệt hại về vụ cháy tại Nhà máy Sản xuất và Lắp ráp xe bus thuộc Khu phức hợp Công nghiệp Ôtô Trường Hải (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và chính thức đưa nhà máy này hoạt động trở lại sau 9 ngày bị gián đoạn. Kết quả điều tra bước đầu nhận định nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện. Hiện, công tác điều tra vẫn đang tiếp tục để đưa ra kết luận cuối cùng. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Ôtô Trường Hải cho biết, theo ước tính thiệt hại của Cty trong vụ cháy là 250 tỷ đồng.

LH (Nguồn VP Bộ CT)