Sau nghỉ tết, tỉ lệ người lao động trở lại Cty làm việc rất cao, gần 98%. Hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp ổn định ngay sau kỳ nghỉ dài, không còn tình trạng thiếu hụt lao động lớn do công nhân nhảy việc, bỏ việc. Có được kết quả này là do hầu hết công nhân đã có tác phong công nghiệp. Yếu tố này hết sức quan trọng vì cấu thành nên chất lượng lao động và giúp doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường tặng quà cho công nhân trong chương trình “Tết Sum vầy 2017” do LĐLĐ tỉnh Hưng Yên tổ chức.
Gần 98% số NLĐ quay lại làm ngay sau Tết
Thông tin từ Ban quản lý KCN-KCX TPHCM (Hepza), tính tới ngày 6.2 (tức mùng 10 Tết Đinh Dậu), khoảng 95% số NLĐ đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, gần 100% DN đã hoạt động trở lại. Theo ông Trần Công Khanh - Chánh Văn phòng Hepza: “Có nhiều lý do để tỉ lệ NLĐ trở lại làm việc sau tết đạt mức cao, trong đó ý thức về việc làm của NLĐ được nâng lên, kỳ nghỉ tết dài đến mùng 10 cho nên NLĐ cũng đã hết hẳn không khí tết, dư âm Tết. Tỉ lệ NLĐ trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán đạt 95%, và tiếp tục tăng lên đến gần 98%”.
Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800.000 NLĐ đang làm việc. Đến ngày 6.2 đã có hơn 98% số NLĐ trên địa bàn tỉnh làm việc trở lại bình thường. Số còn lại chưa đi làm do nghỉ phép, nghỉ thai sản và xin nghỉ việc riêng. Trong khi đó, các tập đoàn lớn như Pouchen Việt Nam, Tập đoàn Phong Thái, Cty ChangShin VN, Cty Taekwang Vina… NLĐ cũng đã đi làm lại đầy đủ, đáp ứng đủ tiến độ các đơn hàng.
Ông Nguyễn Thiện Phước - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, tính đến chiều 6.2, toàn tỉnh đã có hơn 93,48% số NLĐ đã trở lại Bình Dương làm việc. Trong đó, một số DN có tỉ lệ NLĐ trở lại làm việc cao như: Cty TNHH Maruichi Sun Steel (95%); Cty TNHH Chí Hùng (95%)... Toàn tỉnh Bình Dương đã có trên 97% số DN trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết.
Các KCN ở Bắc Ninh có 231.000 CNLĐ trong 750 DN đang hoạt động. Ước tính, khoảng 98% số CNLĐ trở lại làm việc. Các DN đã trở lại hoạt động bình thường. Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh - cho rằng, do sự quan tâm của DN và CĐ đối với CNLĐ trong năm vừa qua đã tốt hơn. CNLĐ có thu nhập, việc làm ổn định. Điều đó khiến CNLĐ thêm phấn khởi, tin tưởng, gắn bó với DN.
Ghi nhận của CĐ các KCN-CX Hà Nội, tính đến ngày 7.2, 98% số NLĐ đang làm việc trong các KCN-CX Hà Nội đã trở lại các DN sau kỳ nghỉ tết. Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ KCN-CX Hà Nội - cho rằng, tỉ lệ NLĐ trở lại làm việc cao là do các CĐCS phối hợp với các DN có nhiều chính sách chăm lo tốt cho NLĐ trong và sau dịp tết. Ngoài ra, trong thời gian gần đây thu nhập của NLĐ ổn định, họ không còn nghĩ đến việc “đứng núi này trông núi nọ”, tác phong công nghiệp (TPCN) phần nào đó được nâng lên…
Cần tác phong công nghiệp để có thu nhập ổn định
Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải. Phó Chủ tịch Thường trực cho biết, trong những năm vừa qua, các cấp công đoàn cả nước đã phát huy được vai trò trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng hành với chủ doanh nghiệp trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NLĐ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua. Trong chương trình “Tết sum vầy” 2017 do Tổng LĐLĐVN tổ chức, đã có trên 2.350.043 suất quà với tổng giá trị trên 918 tỉ đồng được trao tặng tới CB, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, quà của tổ chức CĐ là 1.889.719 suất, UBND các tỉnh và các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động cũng đã đóng góp trên 460.324 suất quà cho chương trình. Với sự chăm lo của tổ chức công đoàn và chủ sử dụng LĐ, thì NLĐ cũng cần nâng cao TPCN: Sau khi vui tết sum vầy với gia đình thì cần quay lại làm việc đúng lịch, để đồng hành với lãnh đạo DN, tạo không khí thi đua lao động ngay từ đầu năm; nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề để có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng cao.
Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cho rằng, TPCN của NLĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là yếu tố quan trọng cấu thành nên chất lượng LĐ và cũng là yếu tố quyết định giúp cho các DN ổn định sản xuất kinh doanh, ngày càng phát triển. Và để giúp NLĐ nâng cao TPCN thì các cấp CĐ cần tuyên truyền cho CNLĐ những quan điểm của Đảng, của Nhà nước về vấn đề lao động, việc làm, TPCN; những thông tin về tác hại khi làm việc thiếu TPCN; những lợi ích khi mà NLĐ làm việc có TPCN. Các cấp CĐ và chủ sử dụng LĐ phải coi công tác giáo dục TPCN cho NLĐ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Cán bộ CĐ làm công tác giáo dục TPCN cho NLĐ còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao; khi tuyên truyền nội dung phải phong phú, đa dạng nhiều lĩnh vực đáp ứng yêu cầu thông tin và phù hợp với từng đối tượng NLĐ. Ngoài sự vào cuộc của tổ chức CĐ, chủ sử dụng LĐ, các cơ quan chức năng cũng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để cán bộ công đoàn tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho NLĐ…
Nguồn Báo LĐ