[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 7/02/2017
Thứ tư, 08/02/2017 - 08:54
Trong hai ngày 6,7/2 báo chí trong nước tập trung đưa tin đậm nét chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Trong hai ngày 6,7/2 báo chí trong nước tập trung đưa tin đậm nét chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tại Cà Mau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Theo Thủ tướng, thị trường tôm còn rất lớn.Thủ tướng cho rằng, mục tiêu chúng ta đưa ra phải chậm nhất trước năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 10 tỷ USD. Trong đó, tỉnh Cà Mau đến năm 2021 phấn đấu đạt 2 tỷ USD. “Chúng ta sẽ là thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng đối với thế giới. Ngành tôm phải phát triển bền vững và phấn đấu đạt 10% GDP quốc gia”, Thủ tướng nêu rõ.


Định hướng cho ngành tôm trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần khảo sát quy hoạch vùng phù hợp phát triển nuôi tôm, không để tình trạng nông dân tự phát manh mún. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác.

Thủ tướng cũng lưu ý, không thể để tình trạng tôm chết do không có điện, nên ngành điện cần cung cấp điện 3 pha phục vụ cho sản xuất tôm, đặc biệt là cho khu vực ĐBSCL. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo vốn tín dụng cho nuôi và chế biến tôm với lãi suất phù hợp.

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp giống và thức ăn của ngành tôm, đặc biệt không để phụ thuộc vào nước ngoài.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh:Bắt đầu sửa điều kiện “trói” doanh nghiệp gas; Úc cấm nhập khẩu tôm: Doanh nghiệp Việt lao đao; 60.000 tỷ đồng xây khu liên hợp gang thép tại Dung Quất; Xuất khẩu gạo năm 2017: Khó khăn chồng chất; Sau tết, các đại lý gas đồng loạt tăng giá.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Bắt đầu sửa điều kiện “trói” doanh nghiệp gas.

Trên nhiều bài báo trong ngày đưa ý kiến của chuyên gia cho rằng, Nghị định 19 đòi hỏi điều kiện quá cao về cơ sở vật chất như số lượng bình gas quá nhiều, kho chứa quá lớn… vừa không phù hợp với yêu cầu của thị trường, lại vừa gây khó khăn, tạo rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ muốn gia nhập thị trường, tạo vị thế độc quyền cho các doanh nghiệp lớn… Đây chính là lý do Bộ trưởng Công Thương quyết định sửa đổi Nghị định 19 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Công Thương ngày 6-2 đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.

Ban soạn thảo sẽ có 17 thành viên do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa làm trưởng ban. Các thành viên còn lại thuộc Ban soạn thảo và Tổ biên tập là đại diện các vụ, cục thuộc các bộ, ngành.

2. Úc cấm nhập khẩu tôm: Doanh nghiệp Việt lao đao.

Trên nhiều bài viết báo điện tử phản ánh: Do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Bang Quuensland, nên Chính phủ Úc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tiêu biểu là hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc đã bị trả về. Thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu có thể lên tới vài triệu đôla

Hiện, các doanh nghiệp đang kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ.

3. 60.000 tỷ đồng xây khu liên hợp gang thép tại Dung Quất.


Chiều 6/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận cho Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất. Công suất của khu liên hợp đạt 4 triệu tấn mỗi năm.

Trước đó, ngày 2/12/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh dự án Khu liên hợp thép tại Khu kinh tế Dung Quất thay thế dự án Liên hợp thép Guang Lian Stell "treo" kéo dài 10 năm qua.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, so với dự án ban đầu quy mô 7 triệu tấn/năm bao gồm 6 triệu tấn/năm thép dẹt và 1 triệu tấn/năm thép dài, dự án của Hòa Phát đề xuất có quy mô nhỏ hơn, cơ cấu sản phẩm có sự thay đổi. Quy mô và cơ cấu sản phẩm nêu trên phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển ngành công nghiệp thép trong thời gian tới. 

4. Xuất khẩu gạo năm 2017: Khó khăn chồng chất.

Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Năm 2016, nước ta chỉ xuất khẩu được chưa tới 5 triệu tấn gạo, giảm 1/4 về số lượng so với năm trước. Tình hình khó khăn này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2017 khi lượng gạo dự trữ trên toàn thế giới đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia cho rằng, khó khăn của xuất khẩu gạo ở nước ta không chỉ đến từ bên ngoài mà còn cả từ bên trong.

Thị trường xuất khẩu gạo được coi là thị trường mỏng khi lưu lượng gạo lưu thông trên thị trường thế giới chỉ chiếm khoảng 5% lượng gạo thực tế sản xuất. Lưu lượng gạo dự trữ lớn như vậy nên chỉ cần cầu giảm nhẹ là sẽ rất khó khăn.

Khó khăn của xuất khẩu gạo ở nước ta còn đến từ nguyên nhân bên trong khi chỉ có 10% số doanh nghiệp xuất khẩu nắm được vùng nguyên liệu và quản lý được đầu ra còn lại là thu mua qua thương lái.

5. Sau tết, các đại lý gas đồng loạt tăng giá.

Theo một số đại lý trên địa bàn Hà Nội, giá gas lại tiếp tục tăng cao vào những ngày đầu năm mới với mức gần 30.000 đồng/bình khiến chính người kinh doanh cũng "sốc". Có xảy ra hiện tượng mỗi nơi niêm yết một khác, chênh nhau tới chục nghìn dù cùng một loại gas, cùng kích cỡ bình.

Hiệp hội Gas Việt Nam cũng từng thừa nhận, dù quy định pháp lý đã có nhưng theo điều tra của Hiệp hội, hầu hết các doanh nghiệp và đại lý đều không tuân thủ. Tình trạng bán phá giá, tự ý thỏa thuận giá cả với khách hàng, đã diễn ra từ nhiều năm nay. Theo một thống kê không chính thức, gas giả - hay còn gọi là gas chiết nạp trái phép đang chiếm khoảng 30% sản lượng trên thị trường gas.

LH (Nguồn VP Bộ CT)