[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 18/01/2017
Thứ tư, 18/01/2017 - 16:43
Trên nhiều báo ra chiều qua và sáng nay 18/1 đăng tải thông tin Bộ Công Thương vừa đưa ra ý kiến chính thức về kết luận thanh tra tại trường Đại học Điện lực mà báo chí đã phản ánh

Trên nhiều báo ra chiều qua và sáng nay 18/1 đăng tải thông tin Bộ Công Thương vừa đưa ra ý kiến chính thức về kết luận thanh tra tại trường Đại học Điện lực mà báo chí đã phản ánh.

Thời gian qua, Bộ Công Thương nhận được một số thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh một số thông tin liên quan đến Kết luận thanh tra tại Trường đại học Điện lực. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra. Theo nội dung Kết luận, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số sai phạm, hạn chế của Trường về công tác tuyển sinh, công tác liên kết đào tạo, công tác quản lý chất lượng đào tạo, công tác quản lý thu - chi học phí..., trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Dự án 3.400 tỷ 14 năm không xong: Vô phương cứu chữa; Đầu tư xây dựng thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1; Phân bón nội lo "chìm dần" do được miễn VAT; Cảnh báo lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Dự án 3.400 tỷ 14 năm không xong: Vô phương cứu chữa.


Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ nằm đắp chiếu nhiều năm nay đã có phương án bán đấu giá tài sản vì “vô phương cứu chữa”.

Tổng công ty giấy Việt Nam (VINAPACO) đang tiến hành các thủ tục đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn định giá và xác định giá khởi điểm làm căn cứ để đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

Thực tế, phương án bán đấu giá VINAPACO đã được lãnh đạo Bộ Công Thương “chốt” từ lâu. Đại diện Bộ Công Thương cho biết những phần việc VINAPACO đang làm là theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương sau nhiều lần họp bàn với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Ngoài ra, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam là một trong những dự án vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Quá trình đầu tư dự án, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ ký thư bảo lãnh khoản vay Ngân hàng Societe Generale (Pháp) trị giá 67 triệu Euro cho dự án. Nhưng việc dự án không thể hoàn thành đã khiến Bộ Tài chính phải đứng ra “trả nợ thay”. 

2.  Đầu tư xây dựng thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1.

Trên nhiều báo đưa tin: Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ Công Thương về việc Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thủy điện Mỹ Lý và thủy điện Nậm Mô 1 trên cơ sở hồ sơ đã được Bộ Công Thương thẩm tra.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Nghệ An giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

3. Phân bón nội lo "chìm dần" do được miễn VAT.

Đầu tư phản ánh: Trong 11 đề xuất, kiến nghị mới đây của Bộ Công Thương, mặt hàng phân bón tiếp tục được kiến nghị đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) ở mức 0%, với kỳ vọng giảm bớt khó cho doanh nghiệp phân bón trong nước.

Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực từ năm đầu 2015. Theo đó, doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào, mà lại không được khấu trừ đầu ra.

Quy định miễn thuế VAT cho phân bón đã đẩy các doanh nghiệp vào cảnh khó khăn chồng chất. Bởi, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu 5% thuế VAT sang đối tượng không chịu thuế VAT có thể dẫn đến hai khả năng trái ngược nhau: hoặc làm giảm giá bán, hoặc làm tăng giá bán. Thực tế, các doanh nghiệp rơi vào vế thứ hai. Vấn đề là khi doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón đang thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng do chi phí sản xuất tăng, thì người nông dân phải mua phân bón với giá cao hơn trước. Trong khi, phân bón nhập khẩu nước ngoài từ chịu thuế 11% hạ xuống còn 6%, khiến giá rẻ hơn phân bón nội. 

4. Chưa khắc phục xong sự cố hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2.

Theo lãnh đạo Ban quản lý thủy điện Sông Bung 2, các đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án khắc phục, đang chờ Bộ Công Thương quyết định.

Thông qua chính quyền huyện Nam Giang, đến thời điểm này, thủy điện Sông Bung 2 đã đền bù cho người dân hơn 6 tỷ đồng. Những ngôi nhà bị cuốn trôi cũng đã được dựng lại. Chính quyền địa phương cũng đã di chuyển những hộ sống ở khu vực trũng thấp đến những nơi an toàn. Vấn đề đặt ra là Giám sát việc chi trả đền bù đảm bảo công khai minh bạch, thỏa đáng và hướng dẫn người dân sử dụng tiền đền bù đúng mục đích.

5. Cảnh báo lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế.

Tuổi trẻ đưa tin, để phòng ngừa giảm thiểu các rủi ro trong thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lưu ý một số nội dung khi giao dịch với khách hàng, cụ thể như: ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài; quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình trong hợp đồng mua bán; đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)