[In trang]
BỎ CÁC QUY ĐỊNH CÓ LỢI CHO LAO ĐỘNG NỮ: Bước thụt lùi của luật!
Thứ năm, 12/01/2017 - 08:37
Trong các nội dung sửa đổi, một số quy định đang gây nên phản ứng trái chiều

Bộ LĐTBXH đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Trong các nội dung sửa đổi, một số quy định đang gây nên phản ứng trái chiều như: Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi có thể không được nghỉ 60 phút mỗi ngày; phụ nữ không được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong kỳ kinh nguyệt; giờ làm thêm tối đa có thể được tăng thêm 600 giờ/năm… Liên quan đến các nội dung trên, phóng viên Báo Lao Động đã gặp gỡ, trao đổi với một số người lao động, chủ sử dụng lao động và phía bảo vệ quyền lợi của NLĐ - tổ chức Công đoàn.


Để hỗ trợ cho LĐ nữ trong thời kỳ chăm nuôi con nhỏ, tổ chức CĐ đã lắp cabin vắt, trữ sữa tại các DN. Ảnh: H.A

Quy định LĐ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày, là thực sự rất cần thiết

Tại Cty thuốc bảo vệ thực vật Việt Thắng (Bắc Giang) vẫn đang áp dụng chế độ nghỉ 60 phút mỗi ngày đối với nữ LĐ đang nuôi con nhỏ (dưới 12 tháng tuổi) theo đúng Luật LĐ hiện hành. Chị H.T.Hường (CN Cty) đánh giá: “Đây là một chính sách rất nhân văn bởi với phụ nữ đang nuôi con nhỏ, mỗi ngày được đi làm muộn nửa tiếng và về sớm nửa tiếng, giúp họ giải quyết được rất nhiều vấn đề như chuẩn bị bữa ăn cho con trước khi đi làm; tăng cường được thời gian ở nhà với con, cho con bú”.

Đồng quan điểm với NLĐ, ông Đào Quốc Cường - Giám đốc nhân sự Cty TNHH Juki (KCX Tân Thuận, TPHCM) - khẳng định: Đối với quy định LĐ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày, tôi nghĩ quy định là thực sự rất cần thiết. Ông Cường lý giải: “LĐ nữ nuôi con nhỏ, đặc biệt là dưới 12 tháng tuổi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thành phố công nghiệp, khi điều kiện về nhà trẻ, trường mầm non còn rất khó khăn, đa phần công nhân, người lao động làm việc tại các KCN-KCX đều là người ngoại tỉnh nên chị em rất cần thời gian để chăm sóc con”.

Được biết, tại Cty TNHH Juki đang áp dụng quy định này nhiều năm nay, việc này giúp chị em an tâm làm việc, có thời gian để chăm sóc con. Ông Cường cho rằng: “Riêng đối với quy định, LĐ nữ được nghỉ 30 phút khi “hành kinh”, theo tìm hiểu của tôi, thực tế là có một số DN chưa thực hiện được vì lúng túng trong áp dụng; một số DN không cho chị em nghỉ nhưng trả thêm tiền nửa giờ làm, hoặc các chị em còn tâm lý e ngại vì chuyện “hành kinh” là chuyện tế nhị, lại xin đi trễ, về sớm 30 phút mỗi ngày… Tinh thần của Bộ luật Lao động 2012 có quy định này là để cho chị em có thời gian vệ sinh cá nhân, tránh các bệnh phụ khoa, đảm bảo sức khỏe sinh sản nhưng khi áp dụng lại chưa đúng. Tuy nhiên, áp dụng chưa đúng không có nghĩa là không cần thiết nên bỏ đi, mà theo cá nhân tôi, cần phải tuyên truyền để chị em hiểu đúng, không lạm dụng đi trễ, về sớm; các DN bố trí hợp lý để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho chị em”.

“Với tôi, nếu bỏ các quy định có lợi cho LĐ nữ thì đó là bước thụt lùi của luật” - ông Cường nhận định.

Hiện đang làm việc tại Cty TNHH Yamaha Motor VN (KCN Nội Bài, Hà Nội), chị Đ.T.B.Hạnh cho rằng, việc áp dụng 30 phút nghỉ cho những LĐ nữ trong những ngày hành kinh là cần thiết bởi lẽ không ít thì nhiều, tâm sinh lý người phụ nữ cũng bị thay đổi, thậm chí có người còn không thể làm việc được ở ngày đầu tiên”.

Đề nghị giữ nguyên như hiện nay

Theo bà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN - LĐ nữ luôn là nhóm yếu thế, cần bảo vệ trong quan hệ lao động, nhất là LĐ nữ thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ. Quy định hiện hành mang tính nhân văn, không chỉ bảo vệ quyền lợi LĐ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, mà còn bảo vệ chính đứa trẻ là con của LĐ nữ. Nếu sửa theo như dự thảo quyền lợi của LĐ nữ đang bị cắt giảm so với quy định hiện hành và không đảm bảo quyền trẻ em được nuôi dưỡng và phát triển toàn diện (theo Luật Trẻ em năm 2016). Ngoài ra, hầu hết những quy định này đã có từ BLLĐ đầu tiên năm 1994 đến nay, việc thực hiện không có khó khăn, vướng mắc ở phía người sử dụng lao động, cũng như người lao động.

Do đó, bà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công - đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành. Bà Hằng cho biết, qua theo dõi của Tổng LĐLĐVN có 93% số DN thực hiện tốt việc tạo điều kiện cho LĐ nữ mang thai, nuôi con nhỏ theo quy định tại Điều 155 của BLLĐ. Chỉ có 7% số DN còn lại có thực hiện nhưng chưa đầy đủ các nội dung ở Điều 155 của BLLĐ.

Quy định LĐ nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút và trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc như hiện nay được hầu hết người sử dụng lao động thực hiện tốt, chỉ có một số DN (không phổ biến) làm việc theo dây chuyền không muốn thực hiện. Hơn nữa, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chính sách đối với LĐ nữ đã hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy định này phần nào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của LĐ nữ và cả người sử dụng lao động.

Cũng liên quan đến LĐ nữ, bà Hằng đề nghị giữ nguyên điểm d, khoản 4 Điều 123 BLLĐ hiện hành về không được xử lý kỷ luật lao động đối với LĐ nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Bà Hằng nêu lý do: Giai đoạn mang thai LĐ nữ dễ bị tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến sức khỏe đứa trẻ và đảm bảo điều kiện kinh tế và tinh thần của người nuôi dưỡng đứa trẻ (trong trường hợp NLĐ nhận con nuôi hoặc trường hợp mẹ mất, người cha phải nuôi con dưới 12 tháng tuổi).

Theo lý giải của Ban soạn thảo, vì có một số trường hợp LĐ nữ lợi dụng quy định này nhằm tránh bị kỷ luật lao động. Những trường hợp này là rất ít, không phổ biến, không thể là cơ sở để loại bỏ quy định mang tính nhân văn này.

Còn ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TPHCM): “Tôi không đồng tình với dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động bỏ đi quy định LĐ nữ không được nghỉ 30 phút khi hành kinh và nghỉ 60 phút khi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Chưa kể, dự thảo mới này cũng đã bỏ đi quy định “không được kỷ luật LĐ nữ đang trong chế độ thai sản”. Nếu bỏ những điều này, đây sẽ là một bước lùi của Bộ luật Lao động mới, bởi xu hướng của thế giới chính là tăng quyền lợi cho LĐ nữ thì chúng ta lại cắt bỏ”.

Theo ông Triều, thay vì cắt bỏ, Bộ luật Lao động mới phải có những chế tài để các DN phải thực hiện. 

Giữ quy định là nhân văn

Khi được hỏi quan điểm về vấn đề này, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, nên giữ lại quy định nhân văn này.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan nêu quan điểm: “Lao động nữ dùng 60 phút để chăm sóc con nhỏ, cho con bú và đây là quy định nhân văn, phù hợp, đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc sống nhiều áp lực như hiện nay”. Cũng theo bà Lan, trẻ dưới 36 tháng tuổi, đặc biệt là dưới 12 tháng khi được bú mẹ và chăm sóc đầy đủ thì sẽ có nền tảng sức khoẻ tốt hơn, giúp quá trình phát triển của trẻ sau này thuận lợi.

Ông Hà Đình Bốn - Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án luật, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) - cho biết: Dù các DN kiến nghị bỏ quy định nhưng các nội dung kiến nghị sẽ được tính toán trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành… liên quan. Theo ông Bốn, “nên giữ như hiện nay, bởi đây là quy định nhân văn, lao động nữ còn thiên chức làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình”.

Thông tin với báo chí chiều 11.1, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho hay, 121/160 quốc gia có số liệu (75%) có quy định trong pháp luật về thời giờ nghỉ cho lao động nữ đang cho con bú sữa mẹ. 114 nước cho phép thời gian nghỉ cho con bú của người lao động được hưởng nguyên lương.

Tại Châu Á, 69% các nước cho phép lao động nữ hưởng thời gian nghỉ cho con bú, trong đó 65% là được hưởng lương. Khoảng hai phần ba (75) quốc gia luật hóa về việc này quy định thời gian nghỉ cho con bú trong khoảng từ 6 tháng đến 23 tháng.  

Theo Báo Lao động