[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 10/01/2017
Thứ tư, 11/01/2017 - 14:35
Dự kiến bỏ hết điều kiện kinh doanh khí; Dự án thép 8.100 tỷ đang “đắp chiếu” bỗng hút nhà đầu tư; Các “ông lớn” nhà nước làm ăn ra sao?

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xử lý tồn tại của Công ty cổ phần DAP - Vinachem. Trước đó, hôm 27/12/2016, Phó Thủ tướng đã có buổi làm việc tại công ty này. Thông tin được đăng tải trên nhiều báo trong ngày 10/1.

Cùng hàng loạt các chỉ đạo đưa ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng các biện pháp, hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định hiện hành để bảo vệ sản xuất phân bón trong nước, ngăn ngừa nhập khẩu, tiêu thụ phân bón kém chất lượng trên thị trường.

 Xử lý tồn tại tại nhà máy này, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công Thương, Vinachem khẩn trương rà soát toàn diện thực trạng hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhà máy, có giải pháp cắt giảm tối thiểu 20% chi phí. Trong đó, Vinachem phải báo cáo rõ lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến từ năm 2013 và đề xuất phương án điều chỉnh.

Liên quan tới chính sách thuế, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, cũng như đề xuất chính sách thuế với sản phẩm thạch cao nhân tạo sử dụng làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Dự kiến bỏ hết điều kiện kinh doanh khí; Dự án thép 8.100 tỷ đang “đắp chiếu” bỗng hút nhà đầu tư; Các “ông lớn” nhà nước làm ăn ra sao?.

Thông tin cụ thể như sau:                

1. Dự kiến bỏ hết điều kiện kinh doanh khí.


Trên nhiều bài báo đưa tin: Theo dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 19 về kinh doanh khí hóa lỏng (gas), đại diện một thương nhân phân phối tại TP HCM cho biết, Điều 14, dự thảo nghị định mà Bộ Công Thương gửi tới doanh nghiệp chỉ quy định 3 điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh khí. So với quy định hiện hành là Điều 9, Nghị định 19/2016/NĐ-CP thì doanh nghiệp đã được loại bỏ hết các điều kiện về vỏ bình, bồn chứa, hệ thống phân phối là cửa hàng, trạm cấp…

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối tại TP HCM cũng xác nhận, bản dự thảo nghị định doanh nghiệp ông nhận được đã sửa đổi Nghị định 19 theo hướng xóa bỏ gần hết các điều kiện với thương nhân phân phối. Theo vị lãnh đạo này, sửa đổi theo hướng này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy không tốt cho thị trường khi vỏ bình vô chủ, không có ai chịu trách nhiệm kiểm định, bảo hành… Đây là điều nguy hiểm cho người tiêu dùng. Đại diện các doanh nghiệp này cho biết, đã có văn bản chính thức gửi đến Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên như Nghị định 19.

Trước đó, nghị định 19 đưa vào áp dụng đã nảy ra cuộc tranh luận gay gắt giữa các doanh nghiệp và hiệp hội. Trong đó, có hai luồng ý kiến rất trái ngược nhau. Một bên là các doanh nghiệp nhỏ kiến nghị bỏ điều kiện kinh doanh vì không thể đáp ứng nổi về đầu tư vỏ bình, kho chứa. Phía còn lại là các doanh nghiệp lớn yêu cầu tuân thủ nghiêm túc theo Nghị định 19 khi họ đã từng đầu tư rất lớn từ trước để đáp ứng theo Nghị định 107. Bộ Công Thương sau đó vào cuộc, tiếp nhận ý kiến hai phía và quyết tâm xây dựng một nghị định mới để thay thế 19.  

2. Dự án thép 8.100 tỷ đang “đắp chiếu” bỗng hút nhà đầu tư.

Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 quy mô đầu tư 8.104 tỷ đồng được Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thực hiện xây dựng năm 2008. Sau gần một thập kỷ xây dựng, hiện nhà máy đang "đắp chiếu", và nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã bỏ về nước.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Trương Thanh Hoài cho biết, Bộ đang làm việc với các đơn vị thẩm định, sau khi có kết quả định giá mới có phương án chính xác để xử lý dự án ngàn tỷ đắp chiếu này.

Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án xử lý đối với dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và phương án xử lý đối với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với dự án.

Ngoài ra, việc thoái vốn nhà nước ở Tisco cũng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư do gần đây công ty đã có lợi nhuận, hoạt động hiệu quả hơn. Theo đó, sốn nhà nước vào Tisco khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, SCIC là đại diện và sẽ thoái cổ phần tại đây.   

3. Các “ông lớn” nhà nước làm ăn ra sao?


Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ngày 9/1, theo số liệu tổng hợp, doanh thu 33 tập đoàn, tổng công ty toàn khối ước đạt 1.429 nghìn tỷ đồng; bằng 92,8% năm 2015. Lợi nhuận trước thuế toàn khối ước đạt 97 nghìn tỷ đồng, tăng 8,87% so với năm 2015. Số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 195 nghìn tỷ đồng, bằng 87% năm 2015. Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng đạt 15,04%, nợ xấu các ngân hàng thương mại dưới 3%. 

Tổng công ty lỗ do chi phí tài chính, khấu hao tài sản cố định, lỗ do thuê thiết bị, mặt bằng… tổng mức lỗ phát sinh trong năm 2016 lên tới 5.404 tỷ đồng. Với Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, lợi nhuận hợp nhất ước lỗ 628 tỷ đồng. Riêng 5 Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Cty CP Đạm Hà Bắc; Cty CP DAP số 2-Vinachem; Cty CP DAP – Vinachem và Cty CP xà phòng Hà Nội phát sinh lỗ 3.372 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mặc dù sản lượng khai thác vượt kế hoạch năm, nhưng do giá dầu xuống thấp nên các chỉ tiêu tài chính năm 2016 đều giảm mạnh so với năm 2015. Doanh thu ước đạt 440 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 24,2 nghìn tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách năm 2016 của PVN đạt 86 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 74,7% năm 2015.

LH (Nguồn VP Bộ CT)