Những năm gần đây, kinh tế đất nước đối diện với không ít khó khăn, thách thức mới nảy sinh; cùng sự hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đòi hỏi lực lượng công đoàn nói chung và Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) nói riêng phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới, bảo đảm sự vững mạnh và phát triển.
Công đoàn ngành Công Thương luôn sát cánh cùng người lao động
Tập trung nâng cao chất lượng từng cơ sở
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đất nước đang hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Ngành Công Thương bước vào năm 2016 với một số thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, phức tạp mới nảy sinh. Đặc biệt, đây cũng là năm ngành Công Thương có nhiều doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi, cổ phần hóa, thoái vốn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp dẫn đến số lượng cán bộ, công nhân lao động (CBCNLĐ), đoàn viên công đoàn trong toàn Ngành có xu hướng giảm.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm, Chủ tịch CĐCTVN Lý Quốc Hùng đã yêu cầu các ủy viên Ban Thường vụ CĐCTVN phải phát huy tối đa vai trò, chỉ đạo và tham gia tích cực trong phạm vi nhiệm vụ được phân công, tập trung hướng về công đoàn cơ sở, để từ đó phấn đấu thực hiện từng mục tiêu đã đề ra. “Mỗi cán bộ, đoàn viên và công đoàn các cấp phải là những chiến sỹ đi tiên phong trong đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy CBCNLĐ làm đối tượng vận động tập hợp và tổ chức hoạt động; lấy việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBCNLĐ làm trọng tâm nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ” - ông Lý Quốc Hùng khẳng định.
Thực hiện Kế hoạch số 04/KH-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về Kế hoạch triển khai Năm phát triển đoàn viên, CĐCTVN được giao chỉ tiêu phát triển mới 3.000 đoàn viên. CĐCTVN đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp công đoàn thực hiện phát triển đoàn viên; lập danh sách, cử cán bộ công đoàn làm công tác phát triển đoàn viên ở các công đoàn cấp trên cơ sở. Song song với việc phát triển, CĐCTVN cũng luôn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ tại các đơn vị, nhằm bảo đảm mọi quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Trong năm, CĐCTVN đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành Quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị; tổ chức hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiều văn bản mới như Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. CĐCTVN cũng từng bước xây dựng thư viện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); qua đó chấm điểm, đánh giá chất lượng bản TƯLĐTT của các đơn vị, kịp thời biểu dương khen thưởng các đơn vị có TƯLĐTT tốt với nhiều điều khoản bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
CĐCTVN sẽ tăng cường chất lượng công tác, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến CBCNLĐ, quan tâm theo dõi tình hình đời sống CBCNLĐ để kịp thời tháo gỡ khó khăn; tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua, hỗ trợ thực hiện tốt những kế hoạch đề ra của ngành Công Thương trong thời kỳ mới.
“Nở rộ” thành tích sáng kiến, sáng tạo
Năm qua, một trong những dấu ấn của CĐCTVN là việc thực hiện một loạt các phong trào thi đua lập thành tích. Theo thống kê của CĐCTVN, thông qua các phong trào thi đua, các đơn vị trong toàn ngành đã có 16.200 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 3.300 tỷ đồng; tiết kiệm 84 tỷ đồng tiền vật tư, nguyên liệu. Ngoài ra, còn có nhiều sáng kiến, giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. TLĐLĐVN đã tặng gần 100 Bằng lao động sáng tạo cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo.
Một tín hiệu vui là nếu trước đây, phần lớn Bằng lao động sáng tạo được trao tặng cho các cán bộ lãnh đạo và kỹ thuật thì năm 2016, số công nhân lao động trực tiếp được tặng bằng khen này đã tăng lên rõ rệt. Phong trào “Lao động giỏi - lao động sáng tạo” đã thực sự trở thành điểm sáng trong thực hiện các phong trào thi đua của CĐCTVN, phát huy sức mạnh, thúc đẩy khả năng của từng CBCNLĐ; từ đó giúp đơn vị phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Trưởng thành từ phong trào này, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất đã vươn lên, trở thành những cán bộ kỹ thuật, quản lý, đốc công, trưởng ca xuất sắc; trở thành các quản đốc, giám đốc xí nghiệp giỏi, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân.
Bên cạnh đó, phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” cũng đã được triển khai kịp thời. Nhiều đơn vị trong ngành đã giúp đỡ nhân dân các vùng sâu, vùng xa làm đường, trường, trạm; giúp người dân xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; triển khai phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động”…
Năm 2017 được dự báo là năm có nhiều chuyển biến mới trong tình hình thế giới diễn biến khó lường; Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng và phải cạnh tranh gay gắt hơn; liên kết kinh tế khu vực với nhiều hiệp định thương mại TPP, FTA được đẩy mạnh. Điều này đòi hỏi CĐCTVN luôn phải nỗ lực hơn nữa, sẵn sàng cho những bước chuyển của nền kinh tế - xã hội đất nước. CĐCTVN là một trong những đơn vị tiên phong tổ chức các hội thảo, hội nghị cung cấp thông tin, có những phân tích, đánh giá, dự báo về xu hướng, thách thức cũng như cơ hội mang lại của các hiệp định FTA và tác động đến người lao động cũng như tổ chức công đoàn. CĐCTVN đã, đang và vẫn luôn chủ động tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, giao lưu học tập với các đơn vị trong và ngoài nước như: Hàn Quốc, Ai Cập, Úc, Nhật Bản, Bỉ, Pháp… để có những kinh nghiệm hay áp dụng cho tổ chức. Đây cũng là một trong những hướng đi để CĐCVTN có thể thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2017 - năm vì lợi ích của đoàn viên.
Nguyễn Hà