[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 06/01/2017
Thứ bảy, 07/01/2017 - 11:11
Thông tin về Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 được các cơ quan thông tấn báo chí đặc biệt chú ý, đưa tin trong ngày 06/1

Thông tin về Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 được các cơ quan thông tấn báo chí đặc biệt chú ý, đưa tin trong ngày 06/1.

Một số nội dung chính tại Hội nghị được các báo đề cập:

Đánh giá về kết quả của xuất khẩu năm 2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng xuất khẩu tiếp tục tăng trong bối cảnh giá thế giới và cầu từ các thị trường nhập khẩu chính giảm. Mức tăng 8,6% là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu kế hoạch như chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Bộ Công Thương chỉ rõ 4 mục tiêu cần phấn đấu để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2017 tăng 6,7%. Bộ Công Thương cũng cam kết trong năm 2017 tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Ngoài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số giải pháp hỗ trợ cho ngành dầu khí, ngành than, phân bón..., Bộ Công Thương cũng đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%; Hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp dệt may...

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tập trung chỉ đạo những vấn đề lớn của ngành Công Thương, gây chú ý của dư luận thời gian qua như dự án thua lỗ đắp chiếu, công tác cán bộ, cải cách thủ tục hành chính... Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2016 vừa qua, ngành Công Thương đã bị vấp nhưng chưa ngã, và có sự vươn lên mạnh mẽ.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Đạm Ninh Bình: Dự báo năm 2017 tiếp tục lỗ 1.200 tỷ đồng; Mười năm gia nhập WTO và câu hỏi còn lại; Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã thông nhưng chưa thoáng; Thêm 7 dự án thua lỗ ngàn tỉ, ngành Công Thương “è cổ” trả nợ.

Thông tin cụ thể như sau:                                                      

1. Đạm Ninh Bình: Dự báo năm 2017 tiếp tục lỗ 1.200 tỷ đồng. 

I

Chủ đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam - Vinachem) vừa có báo cáo thừa nhận tình trạng kinh doanh rất bết bát của Nhà máy này và dự kiến năm 2017 tiếp tục lỗ 1.200 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình ngừng sản xuất của nhà máy từ tháng 7/2016 đến nay, Vinachem cho biết, có 3 lý do là do ảnh hưởng của cơn bão số 1 gây ra thiệt hại ước tính khoảng 19 tỷ đồng; tiêu thị khó khăn, giá bán thấp, lượng ure tồn kho lớn; và đặc biệt là khó khăn về tài chính, thiếu vốn cho sản xuất.

Phía công ty có tính tới phương án tái khởi động nhà máy sau khi rà soát kỹ các khâu để đảm bảo chạy máy thành công. Phương án sản xuất của năm 2017 cũng đã được Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình trình lên và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã phê duyệt.

2. Mười năm gia nhập WTO và câu hỏi còn lại. 

Dù có tên trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Thế giới vài năm trở lại đây theo báo cáo của WTO, nhưng ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, chuyến tàu WTO của Việt Nam đã không như kỳ vọng.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP thấp hơn so với những gì Việt Nam làm được vào thời kỳ hội nhập hạn chế trước đó. Thứ hai, nền nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Năm 2016, ngành này chỉ tăng trưởng 1,36%, trong khi giai đoạn 2001-2006 tăng 4%/năm. Thứ ba, cơ cấu xuất nhập khẩu có vấn đề. Mũi nhọn xuất khẩu là các ngành sử dụng tài nguyên, gia công, thâm dụng lao động.

Từ thực tế đó, chúng ta cần nhìn nhận lại, thể chế kinh tế và công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam phải chăng chưa theo kịp yêu cầu hội nhập? Doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức cạnh tranh?

3. Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã thông nhưng chưa thoáng. 

Đề cập tới việc Bộ Công Thương bãi bỏ qui hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo, tờ Pháp luật TpHCM nhận định, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa được tháo cởi hoàn toàn khỏi những vướng mắc.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều công ty xuất khẩu gạo quan tâm nhất vẫn là những điều kiện xuất khẩu gạo nằm trong NĐ 109/2010 đang áp dụng. Theo đó, NĐ này quy định muốn xuất khẩu gạo, DN phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa khô; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa khô/giờ. Đây là những trở ngại lớn đối với DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, nó là nút thắt khắc nghiệt đối với những công ty muốn làm gạo thương hiệu có giá trị cao nhưng không đủ vốn để đầu tư kho chứa.

Một số chuyên gia đề xuất cần bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đang làm méo mó thị trường trong NĐ 109/2010. Lý do là nó tạo ra sự độc quyền, hạn chế cạnh tranh, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, loại bỏ DN nhỏ tham gia thị trường.

4. Thêm 7 dự án thua lỗ ngàn tỉ, ngành Công Thương “è cổ” trả nợ. 

Đó là tiêu đề bài viết đăng trên Lao động, bài viết phản ánh: Ngoài 5 dự án thua lỗ ngàn tỉ đang “đắp chiếu”, mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ thêm 7 dự án thua lỗ lớn, gồm: Nhà máy đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai. Trong số này có 3 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem), 3 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và 1 dự án thuộc TCty Thép VN (VSC).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, DN theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản nhà nước, theo nguyên tắc thị trường. Phân loại từng dự án để xử lý cho phù hợp, không dùng ngân sách nhà nước, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả. Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm.

LH (Nguồn VP Bộ CT)