[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 4/01/2017
Thứ tư, 04/01/2017 - 15:40
“Bộ Công Thương và cuộc cải cách lịch sử”, “Ngành Công Thương: Những nỗ lực mới”... đó là tiêu đề các bài viết được đăng tải trên các báo hôm qua và sáng nay 04/1

“Bộ Công Thương và cuộc cải cách lịch sử”, “Ngành Công Thương: Những nỗ lực mới”... đó là tiêu đề các bài viết được đăng tải trên các báo hôm qua và sáng nay 04/1.

Các bài viết nhấn mạnh: Năm 2016, Bộ Công Thương đã gỡ bỏ hàng loạt rào cản doanh nghiệp liên quan đến các ngành như kinh doanh gas, kinh doanh thuốc lá… Việc xóa bỏ hàng loạt các rào cản kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của Chính phủ trong mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, tạo một môi trường hoạt động thông thoáng thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.

Bãi bỏ và đơn giản hóa hơn 120 thủ tục hành chính, loại bỏ 50% số công ty đa cấp trên thị trường, đặc biệt, kỷ luật nhân sự của ngành Công Thương được siết lại với hàng loạt quyết định bổ nhiệm sai bị thu hồi… Có thể khẳng định, năm 2016 là năm nhiều biến động lớn với ngành Công Thương.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn cho rằng, cải cách hành chính không chỉ nhằm vào thứ hạng của Bộ Công Thương mà phải đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Với những động thái trên, đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay. Coi việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, Bộ Công Thương đang dần thực hiện lời hứa với doanh nghiệp, với người dân, với Chính phủ. Cuộc cải cách mạnh mẽ này sẽ là trợ lực tốt nhất để cộng đồng doanh nghiệp có thể cạnh tranh tốt hơn trong sân chơi hội nhập ngày càng sâu rộng – Báo Hải quan nhấn mạnh.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Ban hành khung giá phát điện năm 2017; Không sản xuất điện bằng mọi giá; “Chông gai” sau cánh cửa AEC; Bệnh của các “con bệnh” ngàn tỉ.

Thông tin cụ thể như sau:           

1. Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 5107/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện năm 2017.


Trên nhiều bài viết đưa tin: Theo quy định khung giá mới, mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện than quy định theo các thông số nhiên liệu sử dụng tính toán giá phát điện.

Mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng và thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy thuỷ điện là 1.070 đồng/kWh. Khung giá ban hành kèm theo Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. 

2. Không sản xuất điện bằng mọi giá là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chiều 3-1.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh sự biểu dương về những nỗ lực của EVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không quên chỉ rõ những mặt tồn tại của ngành điện và yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn phải nhìn nhận hết sức thẳng thắn những vấn đề tồn tại, từ đó có biện pháp khắc phục. 

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh EVN cần chú ý đến vấn đề môi trường. “Không sản xuất điện mọi giá ảnh hưởng đời sống nhân dân ở những vùng có nhà máy điện của chúng ta. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng chất lượn thấp, thất thoát. Một số dự án ảnh hưởng môi trường sống nghiêm trọng” – Thủ tướng nói.  

3. “Chông gai” sau cánh cửa AEC là tiêu đề Kỳ I của loạt bài “Thách thức trên “sân chơi” AEC” được báo Nhân dân khởi đăng ngày hôm nay. 

Theo nội dung bài viết, Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm 2015. Tuy nhiên, sau một năm, những kỳ vọng về sự tăng trưởng lại chưa trở thành hiện thực. Các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC được đánh giá là cao nhất và nhanh nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, thế nhưng trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng lại sụt giảm hoặc chưa đạt được mức tăng trưởng như mong đợi.

Nguyên nhân sụt này theo nhiều chuyên gia kinh tế, trước hết là do tác động chung của kinh tế thế giới và khu vực. Một nguyên nhân khác là việc Việt Nam đồng thời tham gia HĐTM hàng hóa trong nội khối ASEAN, cũng như nhiều Hiệp định FTA giữa ASEAN với các nước đối tác, điều này tác động không nhỏ tới tỷ trọng xuất khẩu sang ASEAN.

Về nguyên nhân chủ quan, một số chuyên gia cho rằng do cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của nước ta có nhiều điểm tương đồng với các nước ASEAN, trong khi sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trong nước còn hạn chế. 

4. Bệnh của các “con bệnh” ngàn tỉ.

Thủ tướng Chính phủ đã lập một Ban chỉ đạo để xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém ở 12 dự án, nhà máy lớn Để tránh lặp lại những sai lầm ở những dự án khác, Thời báo Kinh tế Sài gòn đã chỉ ra những nguyên nhân khiến các dự án lớn này thất bại.

Theo đó, một số nguyên nhân chủ yếu là: vấn nạn đội vốn đầu tư và chậm tiến độ; chủ đầu tư chưa để tâm đến những cảnh báo rủi ro của chuyên gia về thị trường, chất lượng, năng lực điều hành; những rủi ro do thay đổi chính sách.

Nội dung bài viết cũng đưa ra nhận định rằng, một điều đáng lo ngại hơn những “mầm bệnh” này không chỉ nằm trong 12 dự án kia, mà còn cũng đang tồn tại ở nhiều dự án đầu tư khác, cũng bằng tiền nhà nước.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)