[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 19/12
Thứ hai, 19/12/2016 - 17:20
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính dịp Tết Nguyên đán

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính dịp Tết Nguyên đán là thông tin được đăng tải trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng ngày 19/12.

Trong đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời  trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước. Đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính.

Vấn đề cải cách hành chính vẫn được báo chí quan tâm, đăng tải. Đáng chú ý là bài viết:“Cải cách thủ tục hành chính: Vẫn lo bộ, ngành loay hoay”đăng trên Đầu tư, bài viết nhấn mạnh: Sau khi BộCông Thương công bố đơn giản hóa, bãi bỏ 123 thủ tục hành chính sẽ thực hiện trong năm 2017, giới kinh doanh nín thở chờ đợi. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp chưa thể an tâm ngay lúc này.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Đồng Tùng (Hà Giang) khấp khởi ngay sau khi nội dung chi tiết của 123 thủ tục hành chính mà Bộ Công Thương lên kế hoạch bãi bỏ và đơn giản hoá ngay trong năm 2017 được công bố trên trang điển tử của Bộ, song cũng không quên nhắc tới sự chờ đợi hành động cụ thể của các đơn vị, bộ phận mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giao việc trong Quyết định 4846/2016/QĐ-BCT.

Tác giả bài viết nhấn mạnh: Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, động thái của Bộ Công Thương hiện tại là tích cực, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể kê cao gối.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thủ tướng giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho 5 Bộ; Thị trường ô tô đang vận hành theo quy định nào?; 18 doanh nghiệp thép “kêu cứu” vì thép cuộn ồ ạt vào Việt Nam; Nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc; Tổng công ty Điện lực TKV đang lãi bỗng lỗ nghìn tỷ đồng.

Thông tin cụ thể như sau:                                                        

1. Thủ tướng giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho 5 Bộ. Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 5 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Theo đó, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6 - 7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%, mức giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP so với năm 2016 là 1,5% là những chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được cho giao BộCông Thương.

Căn cứ vào các chỉ tiêu được giao nêu trên, các bộ thông báo cho các đơn vị liên quan các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cho các đơn vị trước ngày 31/12/2016 để triển khai thực hiện.Đồng thời, định kỳ hàng quý gửi báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện về Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

2. Thị trường ô tô đang vận hành theo quy định nào? Nhiều ý kiến băn khoăn, từ nay đến ngày 1/7/2017 - thời điểm ôtô được chính thức đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thị trường này vận hành ra sao; Tuân thủ quy định pháp lý nào; Hiệu lực Thông tư 20/2011/TT-BCT ra sao?

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thực tế thị trường ô tô nhập khẩu hiện vẫn vận hành theo hành lang pháp lý của TT20. Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này vẫn chưa nhận được văn bản nào khẳng định Thông tư 20 hết hiệu lực. Phó cục trưởng Cục Hải quan một địa phương phía Bắc khẳng định, đến nay chưa cho thực hiện thủ tục, thông quan cho bất cứ lô hàng thương mại nào hồ sơ pháp lý thiếu giấy ủy quyền chính hãng. Một vài doanh nghiệp cũng cho biết, “ngỡ” TT 20 hết hiệu lực từ sau ngày 1/7 nên đã nhập xe về cảng, song đến nay vẫn chưa thông quan bởi các cơ quan thực thi chính sách vẫn căn cứ theo văn bản pháp lý này.

Bộ Công Thương khẳng định, TT 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh, mà đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để đảm bảo một mục tiêu quản lý.

Ngoài Thông tư 20, thị trường ô tô vẫn hoạt động trong “khuôn khổ” của các văn bản pháp luật liên quan khác.

3. 18 doanh nghiệp thép “kêu cứu” vì thép cuộn ồ ạt vào Việt Nam. Ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Việc áp dụng biện pháp tự vệ đã có tác dụng lên ngành sản xuất thép trong nước nói chung, đặc biệt là ngành sản xuất phôi thép.

Tuy nhiên, văn bản của 18 doanh nghiệp thép cho biết, từ khi áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép, doanh nghiệp nhập khẩu kê khai sang mã HS khác đối với mặt hàng thép dây cuộn, hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm hiện thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại.

Trước tình trạng trên, 18 doanh nghiệp thép kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương điều tra mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ thương mại và đưa những mã này vào danh mục hàng hoá cần kiểm soát chặt nhằm ngăn chặn việc chuyển mã để hưởng chênh lệch thuế.

4. Nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cuối tuần qua, 6 nhóm hàng hóa quan trọng nhất trong cơ cấu hàng nhập khẩu của VN thì thị trường Trung Quốc dẫn đầu. Tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới hàng chục tỉ USD.

Cụ thể, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất cho VN, với kim ngạch nhập khẩu là 8,27 tỉ USD, tăng 1,5. Tương tự, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, VN đã nhập từ Trung Quốc tới 5,51 tỉ USD trên tổng số 9,56 tỉ USD tổng kim ngạch. Nhóm ngành nguyên phụ liệu dệt may cũng nhập từ Trung Quốc hơn 7,3 tỉ USD, tăng 4,5%. Rồi sắt thép, nước này cung cấp tới 9,9 triệu tấn, chiếm quá nửa tổng lượng thép VN đã nhập khẩu trong 11 tháng qua.

5. Tổng công ty Điện lực TKV đang lãi bỗng lỗ nghìn tỷ đồng. Dân trí đưa tin: Báo cáo hợp nhất của Tổng công ty Điện lực TKV (Điện lực TKV) - công ty con thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, công ty này vẫn đang trong tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.

Đáng chú ý, năm 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 6.957 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 135 tỷ. Sau khi chuyển sang mô hình cổ phần hoá từ tháng 1/2016, 6 tháng đầu năm nay, tổng công ty này công bố đạt doanh thu 3.294 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 98 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Điện lực TKV phải có báo cáo giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau khi soát xét tài chính. Kết quả sau soát xét, Điện lực TKV đã chuyển từ lãi xuống lỗ gần nghìn tỷ. Cụ thể, công ty mẹ Điện lực TKV lỗ tới 953 tỷ đồng trong quý II/2016, báo cáo hợp nhất lỗ 295 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ Điện lực TKV lỗ tới 767 tỷ đồng, còn hợp nhất lỗ 126 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, nguyên nhân lỗ chủ yếu do sau khi chuyển sang mô hình cổ phần, tổng công ty phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại các công ty con, công ty nhận vốn góp theo quy định hiện hành, trong đó, trích lập dự phòng 896 tỷ đồng tại Nhiệt điện Cẩm Phả, 196 tỷ đồng vào Nhiệt điện Quảng Ninh. 

LH (Nguồn VP Bộ CT)