[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 12/12
Thứ hai, 12/12/2016 - 17:44
Hàng loạt các lãnh đạo cao cấp của các cơ quan, bộ ngành đi nước ngoài “mất hút” trong thời gian vừa, các chuyên gia cho cho rằng lỗi là ở lỗ hổng quản lý

Trước hàng loạt các lãnh đạo cao cấp của các cơ quan, bộ ngành đi nước ngoài “mất hút” trong thời gian vừa, các chuyên gia cho cho rằng lỗi là ở lỗ hổng quản lý. Báo chí trong ngày hôm nay 12/12 đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vấn đề này.

Trao đổi với báo chí sau sự việc ông Lê Chung Dũng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - Dầu khí (PV Power) đi nước ngoài mất hút, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Trong Hiến pháp đã quy định rồi, họ là công dân và họ không có vi phạm gì thì họ có quyền đi du lịch, đi chữa bệnh. Họ không có tội lỗi gì thì chẳng thể nào cấm được họ. Còn trường hợp khi họ thuộc diện bị cấm xuất cảnh hay bị hạn chế thì lại khác. Họ có hộ chiếu thì cứ đi, còn ai sai người đó phải chịu trách nhiệm.

Cùng chung nhận định trên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết: Các quy định xuất cảnh đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay khá nghiêm ngặt. Các cán bộ muốn đi nước ngoài rất khó khăn, phải được các cấp có thẩm quyền đồng ý thì mới đủ thủ tục giấy tờ để xuất cảnh. Trong thời gian gần đây, các trường hợp được nhắc tới nhiều như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng lại không đi công tác bằng hộ chiếu công vụ nữa mà đi theo hộ chiếu phổ thông, đi bằng giấy tờ đơn giản, đi du lịch bình thường thì rất khó quản lý.

Theo ông Thịnh, thực tế, quy định cán bộ, công chức đi nước ngoài phải có sự đồng ý của cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng đã có nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị thực hiện chưa tốt. Về nguyên tắc,  phải có sự đồng ý của cơ quan cấp cao hơn, cứ đi ra khỏi nước là phải có sự đồng ý của cấp cao nhất ở cơ quan đó.

Thông tin về Bộ Công Thương lấy ý kiến về dự thảo Điều chỉnh quy hoạch ngành thép cũng được nhiều các cơ quan báo chí quan tâm đăng tải. Theodự thảo, Bộ Công Thương vừa loại 12 dự án thép ra khỏi Quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Bộ Công Thương đưa ra quan điểm quy hoạch hệ thống sản xuất thép là quy hoạch “mềm” có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đảm bảo huy động hợp lý có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế.

Báo chí nhấn mạnh: Đặc biệt, danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 có tên Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná-Ninh Thuận, Thép Dung Quất-Quảng Ngãi, Thép Nghi Sơn-Thanh Hóa.Giai đoạn 1 của các dự án này sẽ được thực hiện 2016-2020. Các giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện đến năm 2025-2031. Riêng dự án thép Cà Ná-Ninh Thuận sẽ thực hiện ba giai đoạn với tổng công suất thiết kế 32 triệu tấn/năm. Một điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương không đưa tên chủ đầu tư gắn với các dự án vào danh mục như dự thảo lần một

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Kinh doanh xăng, dầu gặp khó do chính sách thiếu đồng bộ; Giá điện năm 2017 dự báo không biến động mạnh; Bộ Công Thương muốn định giá nhà máy 8.000 tỉ "trùm mền".

Thông tin cụ thể như sau:                                                          

1. Kinh doanh xăng, dầu gặp khó do chính sách thiếu đồng bộ. 


Ngày 14/9, Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 12802/BTC-TCHQ về thời điểm nộp C/O, theo đó, người nhập khẩu phải nộp ngay C/O tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đây là thủ tục hành chính để dựng lên hàng rào kỹ thuật với xăng, dầu nhập khẩu, khi xăng, dầu trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, chưa có thương nhân nước ngoài tham gia thị trường. 

Sau ngày 1/1/2017, trên thị trường, số chủng loại xăng, dầu có thể tăng gấp ba lần hiện nay. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận xét, điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện quản lý về thuế, phí, chống gian lận thương mại; gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu; các thương nhân phải đầu tư thêm hạ tầng hệ thống phân phối, hệ thống quản lý nội bộ; gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn nhiên liệu phù hợp. Chúng ta còn nhớ, vài năm trước, khi quyết định đưa xăng sinh học E5 bán rộng rãi, các doanh nghiệp đã rất vất vả khi đặt thêm cột bơm xăng E5 trên mặt bằng cũ chật hẹp của các cửa hàng xăng, dầu, nhất là tại các thành phố lớn.

Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể triển khai, cho nên doanh nghiệp rất lúng túng. Tập đoàn kiến nghị lùi thời hạn áp dụng đến 1/7/2017 để hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như để doanh nghiệp chuẩn bị phương án nguồn hàng, phương án tổ chức kinh doanh bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn.

2. Giá điện năm 2017 dự báo không biến động mạnh. 

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2016, EVN lập kế hoạch với sản lượng điện là 175,9 tỷ kWh. Trong đó, điện sản xuất là 81,6 tỷ kWh, điện mua là 94,27 tỷ kWh và điện thương phẩm là 19,1 tỷ kWh. Đại diện Tập đoàn Công nghiệpThan - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hiện TKV và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đang nghiên cứu, thiết kế tàu mới, phục vụ nhu cầu vận chuyển than tốt hơn. 

Đánh giá về tình hình cung cấp điện và giá điện năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung điện cho cả nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phát triển đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Năm 2016 không phải điều chỉnh giá điện, không vướng phải bức xúc trong dư luận về tình hình giá điện. Sang năm 2017 cũng sẽ không “ồn ào” về giá điện”, Thứ trưởng nhận định.

3. Bộ Công Thương muốn định giá nhà máy 8.000 tỉ "trùm mền". 

Trên các báo đưa tin: Bộ Công Thương đang lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá với dự án Gang thép Thái Nguyên hiện đang "trùm mền". Do sự biến động giá cả của thị trường và các cơ chế chính sách của Nhà nước, quý I/2012 chủ đầu tư đã rà soát lại tổng mức đầu tư của Dự án, tổng mức đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận với mức điều chỉnh là 8.104 tỷ đồng và được HĐQT của Công ty cổ phần Gang thép thái Nguyên phê duyệt điều chỉnh vào tháng 4/2013.

Trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho rằng phương án giải quyết các dự án nghìn tỉ đắp chiếu, trong đó có dự án Gang thép Thái Nguyên, phải trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích tài sản Nhà nước, phù hợp nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế. Theo đó, có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản nếu cần thiết. 

LH (Nguồn VP Bộ CT)