[In trang]
Đại hội công đoàn các cấp: Hướng tới “đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”
Thứ tư, 07/12/2016 - 09:29
Không tham luận theo hình thức báo cáo thành tích tại ĐH, cần tập trung thảo luận các thách thức đặt ra đối với tổ chức CĐ

Đại hội công đoàn các cấp phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thực sự dân chủ của đoàn viên, CNVCLĐ và tổ chức CĐ, tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; coi trọng chất lượng, đặc biệt, khuyến khích việc đối thoại, chất vấn tại ĐH về những vấn đề cụ thể được đoàn viên, người lao động quan tâm.

Không tham luận, cần tập trung thảo luận

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kế hoạch 52/KH- TLĐ về tổ chức ĐHCĐ các cấp tiến tới Đại hội XII CĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023. Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 17/11/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo ĐHCĐ các cấp và ĐH CĐ Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023.

 

Tổng LĐLĐVN khuyến khích đối thoại, chất vấn về những vấn đề đoàn viên, người lao động quan tâm.

Theo đó, căn cứ tình hình thực tế, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn ĐHCĐ cơ sở tiến hành từ 1/7/2017, hoàn thành trước 31/12/2017; ĐH CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành trước 31/3/2018; ĐHCĐ cấp tỉnh, thành phố; CĐ ngành trung ương và tương đương; CĐ tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN sẽ phải hoàn thành trước 30/6/2018.

Cũng theo kế hoạch này, ĐH XII CĐ Việt Nam tổ chức vào quý III/2018. Thời điểm cụ thể do Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI quyết định. Thời gian tiến hành ĐH không quá 3 ngày.

Để nâng cao chất lượng ĐH các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu: Báo cáo trình ĐH cần ngắn gọn, có số liệu cụ thể để phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ, đồng thời phân tích làm rõ kết quả triển khai thực hiện các chương trình của ĐH XI CĐVN, của CĐ cấp trên trực tiếp; phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (chủ quan, khách quan), rút ra các bài học kinh nghiệm.

ĐHCĐ các cấp có nhiệm vụ đánh giá đúng thực trạng tình hình CNVCLĐ; kết quả thực hiện nghị quyết ĐHCĐ cùng cấp và nghị quyết ĐHCĐ cấp trên nhiệm kỳ qua; rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ yếu kém, tồn tại và nguyên nhân; đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới; đồng thời đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐVN.

Do đó, về thảo luận tại ĐH, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu, không tham luận theo hình thức báo cáo thành tích tại ĐH, cần tập trung thảo luận các thách thức đặt ra đối với tổ chức CĐ trong thời kỳ mới; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới phương thức tổ chức và nội dung hoạt động CĐ ở đơn vị, ngành, địa phương; bổ sung những nội dung quan trọng cần được các cấp CĐ quan tâm giải quyết và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động CĐ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đoàn viên CĐVN.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng khuyến khích việc đối thoại, chất vấn tại ĐH về những vấn đề cụ thể được đoàn viên, người lao động quan tâm, đề xuất kiến nghị; thảo luận nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐ Việt Nam...

Phấn đấu tỉ lệ nữ tham gia BCH đạt khoảng 30%

Với mục đích thông qua ĐHCĐ các cấp, lựa chọn những cán bộ CĐ tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu, nhân sự bầu vào ban chấp hành (BCH) CĐ là những cán bộ, đoàn viên có đủ năng lực, trình độ, có khả năng tổ chức thực hiện nghị quyết của ĐH, có tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín trong phong trào công nhân và hoạt động CĐ; dám đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ, đặc biệt là chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; nâng cao uy tín, vị thế CĐVN trong giai đoạn mới.

Theo yêu cầu của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, BCH CĐ các cấp cần có 3 độ tuổi (dưới 40 tuổi, từ 40 đến dưới 50 tuổi, từ 50 tuổi trở lên) bảo đảm tính kế thừa, phát triển; phấn đấu tỉ lệ nữ tham gia BCH đạt khoảng 30%. Coi trọng cơ cấu đoàn viên trực tiếp sản xuất, là người dân tộc thiểu số (nơi có đông đoàn viên dân tộc thiểu số), người ngoài đảng trong các thành phần kinh tế. 

Với mục đích thông qua ĐHCĐ các cấp, lựa chọn những cán bộ CĐ tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu, nhân sự bầu vào ban chấp hành (BCH) CĐ là những cán bộ, đoàn viên có đủ năng lực, trình độ, có khả năng tổ chức thực hiện nghị quyết của ĐH, có tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín trong phong trào công nhân và hoạt động CĐ.

Bảo Duy (Lao động TĐ)