[In trang]
Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS: Cần có bước đột phá
Thứ ba, 06/12/2016 - 09:58
Những thách thức đòi hỏi CĐCTVN cần có những chiến lược và giải pháp cụ thể để giữ vững và phát triển đoàn viên

Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong hoạt động của Công đoàn Công Thương VN (CĐCTVN). 

Tính đến 30/11/2016, Công đoàn Công Thương Việt Nam có 564 công đoàn cơ sở, trong đó khu vực nhà nước 274 đơn vị, khu vực ngoài nhà nước 290 đơn vị trong đó (liên doanh nước ngoài 31 đơn vị, 02 đơn vị 100% vốn nước ngoài và 257 Công ty cổ phần). Tổng số đoàn viên khu vực nhà nước 73.169/161.308 đoàn viên; khu vực ngoài nhà nước 88.139/161.308 đoàn viên, trong đó (khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 17.969 đoàn viên, khu vực có vốn đầu tư trong nước là 70.170 đoàn viên).


Khó khăn còn nhiều

Nhằm đạt mục tiêu phát triển đoàn viên năm 2016, CĐCTVN đã tổ chức kiểm tra, nắm tình hình thực tế tại các công đoàn cơ sở trực thuộc và làm việc với một số công đoàn có đông lao động chưa phải là đoàn viên, các doanh nghiệp nhà nước hiện đang thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn và một số đơn vị đã thoái vốn, thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, hoặc giải thể; qua đó kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của cơ sở, để đề ra những biện pháp hiệu quả.

Trong năm, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã thống kê, lập danh sách cán bộ công đoàn chuyên trách làm công tác phát triển đoàn viên, gồm 32 người. Đây là những cán bộ chủ chốt, có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình và có kỹ năng vận động, tập hợp quần chúng, đặc biệt am hiểu chế độ, chính sách pháp luật để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp. Mặt khác, CĐCTVN đã ban hành Hướng dẫn số 261/HD-CĐCT ngày 29/6/2016 về khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển đoàn viên; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, cập nhật số liệu tình hình thực hiện phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. CĐCTVN còn tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phát triển đoàn viên tại 2 khu vực phía Bắc và phía Nam cho trên 250 cán bộ công đoàn đối tượng là các Ủy viên BCH, tổ trưởng, tổ phó của các công đoàn cơ sở; in, phát hành trên 100.000 cuốn “kỹ năng tuyên truyền phát triển đoàn viên”, trên 10.000 cuốn "Những điều cần biết về Luật BHXH" giúp cán bộ công đoàn và người lao động nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết.

Năm 2016, việc tổ chức thực hiện thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp theo phương pháp mới bước đầu đã giúp cho người lao động chủ động tự lựa chọn, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành và thành lập tổ chức đại diện của mình tại nơi làm việc theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Theo số liệu tổng hợp tính đến ngày 30/11/2016, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thành lập mới được 03 công đoàn cơ sở theo phương pháp mới và tiếp nhận mới 1 đơn vị. CĐCTVN đã giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên cho 17 công đoàn cấp trên cơ sở. Theo đó, có 03/17 công đoàn cấp trên cơ sở đạt 100% và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao là: Công đoàn Tổng Công ty Bia-Rượu-NGK Sài Gòn, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam và Công đoàn Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam; 04/17 đơn vị đạt từ 50-90% KH; 03/17 đơn vị có số lượng đoàn viên tăng thêm nhưng đạt ở mức thấp dưới 50%, còn 07 đơn vị không đạt chỉ tiêu giao, số lượng đoàn viên giảm đáng kể từ 200 đến 400 đoàn viên, thậm chí có đơn vị giảm mạnh từ 700 đến 900 đoàn viên như: Công đoàn Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và Công đoàn Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam. Tính đến ngày 30/11/2016, toàn Ngành số đoàn viên tăng thực tế là 2.772/3000 đoàn viên, đạt 92,4%. Số đoàn viên giảm thực tế là 2.533 đoàn viên so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Nhiều đơn vị thoái vốn, thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, giải thể, sáp nhập. Một số CĐCS chuyển về sinh hoạt với LĐLĐ địa phương. Bên cạnh đó, việc phổ biến, tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên và bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn, kỹ năng tuyên truyền phát triển đoàn viên cho cán bộ, đoàn viên công đoàn ở một số doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước còn hạn chế. Cán bộ công đoàn chưa mạnh dạn thuyết phục chủ doanh nghiệp để vận động những lao động mới tuyển dụng, lao động chưa phải là đoàn viên được gia nhập vào tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn kiêm nhiệm nhiều việc và phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp, do vậy chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, cũng như chưa tạo được sức hút và lòng tin đối với người lao động.

Mặt khác, hoạt động công đoàn ít nhận được sự quan tâm từ phía chủ doanh nghiệp, chính vì vậy một số doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn giữa lao động và đoàn viên công đoàn. Công tác chỉ đạo, thực hiện ở một số đơn vị cơ sở còn thiếu tập trung, chưa có kế hoạch cụ thể, tài liệu tuyên truyền còn ít, nội dung, hình thức chưa phong phú. Do đó, việc vận động người lao động hiểu về Công đoàn Việt Nam và hiểu rõ lợi ích của bản thân khi gia nhập tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Cần sự nỗ lực vượt bậc

Trong thời gian tới, nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động, song cũng kéo theo không ít thách thức khi quan hệ lao động ngày càng phức tạp. Hơn nữa, theo chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, khối doanh nghiệp Nhà nước giảm, khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp sẽ không muốn và không tạo điều kiện cho người lao động thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, nên việc phát triển đoàn viên trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới cũng sẽ có những khó khăn nhất định, đòi hỏi CĐCTVN cần có những chiến lược và giải pháp cụ thể để giữ vững và phát triển đoàn viên.

Theo đó, CDCTVN cần tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn trong Ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển đoàn viên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội II Công đoàn Công Thương Việt Nam đề ra về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở cho cả nhiệm kỳ 2013-2018; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu về Công đoàn Việt Nam, hiểu rõ lợi ích của bản thân khi tham gia tổ chức công đoàn từ đó tự giác gia nhập công đoàn và tham gia tích cực các hoạt động công đoàn.

Trong công tác phát triển đoàn viên, không chỉ chú trọng đến các đơn vị doanh nghiệp khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mà cần quan tâm phát triển đoàn viên trong khu vực phi kết cấu, những đơn vị thuộc khối kinh doanh dịch vụ, thị trường, những đơn vị có dưới 10 lao động vì đây chính là khu vực có số lao động tương đối lớn, là bộ phận chịu nhiều thiệt thòi nhất như điều kiện làm việc không đảm bảo, tiền công không đủ trang trải cuộc sống cũng như không được bảo vệ. Vì vậy, phát triển đoàn viên trong khu vực phi kết cấu chẳng những giúp cho công đoàn tăng thêm về số lượng đoàn viên mà còn là thực hiện toàn diện hơn chức năng bảo vệ người lao động; tích cực triển khai phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo phương pháp mới; ưu tiên bố trí cán bộ và hỗ trợ nguồn kinh phí cho các công đoàn cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, đồng thời tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn về nghiệp vụ công tác công đoàn, cũng như về kỹ năng phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nội dung tập huấn phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở và tình hình thực tế hiện nay. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động, nâng cao chất lượng, thương lượng TƯLĐTT, bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích, khen thưởng động viên kịp thời những cán bộ chuyên làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. 

Thanh Hương