[In trang]
Quan điểm của Chủ tịch HCM về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân
Thứ ba, 19/04/2016 - 11:13
Phải rất chú ý tăng gia sản xuất. ‘’Sản xuất tăng thì mức sống sẽ được nâng cao. Muốn ăn quả thì trước hết phải chịu khó trồng cây

Sinh thời, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh rằng: Quan hệ giữa phát triển kinh tế với nâng cao mức sống là như nước với thuyền, nước dâng thuyền lên, nước lên thuyền mới lên cao.

Khi cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới ra đời, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Nếu nước có độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lí gì. Cho nên ‘’Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi’’.1


Từ đó, Người đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho cán bộ và chính quyền từ Trung ương tới địa phương đều phải hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân, phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Người nói:’’Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ thực hiện. Nếu dân đói rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được’’2. Rõ ràng, quan niệm của Người là phải lấy dân làm gốc, dân là lực lượng to lớn quyết định đến thắng lợi của cách mạng. Nhưng chỉ có thể phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân khi trong đường lối chính sách thể  hiện được lợi ích của nhân dân. Cho nên ‘’nâng cao dần mức sống của nhân dân, trước hết là của công nhân, bộ đội, công chức, đồng thời giảm nhẹ dần sự đóng góp của nông dân’’3 phải được coi là một mục tiêu quan trọng của cách  mạng, phải kiên quyết làm cho kì được.

Nhưng muốn làm được điều đó trước hết phải có đường lối phát triển kinh tế đúng đắn, phải dùng lập trường quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác- Lênin để phân tích, nhận thức đúng đắn những đặc điểm của nước ta, vận dụng đúng quy luật vào cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh nói:’’ Muốn lãnh đạo cho đúng tất nhiên phải theo đường lối chung. Song cách làm phải tuỳ theo chỗ, tuỳ theo mùa, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế địa phương’’4. Từ phương pháp tư duy ấy, Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, là ‘’lấy nhà máy, ngân hàng, xe lửa làm của chung. Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ người già cả đau yếu, trẻ con... Chủ nghĩa xã hội không làm mau được mà phải làm dần dần’’5.

Người luôn khẳng định rằng: ‘’Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân, làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng’’6, điều quan trọng  bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta là nhằm cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân lao động.

Nói chuyện với các đoàn thể, với cán bộ hay nhân dân, Người thường nhấn mạnh: Phải rất chú ý tăng gia sản xuất. ‘’Sản xuất tăng thì mức sống sẽ được nâng cao. Muốn ăn quả thì trước hết phải chịu khó trồng cây’’7. ‘’Có thực mới vực được đạo’’ không chỉ là ngạn ngữ mà được Hồ Chí Minh nâng lên tầm lí luận và khẳng định ‘’đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác- Lênin’’8. Người khuyên cán bộ: chúng ta phấn đấu hy sinh vì chúng ta muốn xây dựng một xã hội ai cũng có ấm no, sung sướng. Nhưng  chúng ta biết rằng: ‘’Muốn cải thiện đời sống thì trước hết phải ra sức thi đua phát triển sản xuất và trước hết phải nâng cao mức sống của nhân dân, rồi nâng cao mức sống của cá nhân mình’’9.

Theo Hồ Chí Minh, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế phải gắn với thực hành tiết kiệm, Người coi ‘’tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội’’10. Người giải thích rằng: lao động sản xuất xây dựng đất nước là sự nghiệp khó khăn gian khổ nhưng phải kiên trì vượt qua mọi trở ngại. Người ví công cuộc xây dựng đất nước như đào giếng, như trồng cây. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới chóng có quả.

Về mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, Hồ Chí Minh khẳng định nếu không sản xuất thì không có tiêu dùng nhưng sản xuất ra chừng nào tiêu dùng hết chừng ấy thì không có tích luỹ để mở rộng sản xuất và sẽ không cải thiện được đời sống. Vì vậy, ‘’mỗi người chúng ta đều cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm thì chúng ta mới cải thiện được đời sống’’11. Muốn sản xuất tốt phải quản lí tốt, cải tiến quản lí và sản xuất phải song song. Quản lí tốt trong sản xuất là biện pháp để đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm. Khi đã sản xuất được nhiều của cải vật chất, phải chú ý phân phối cho công bằng. Người thường nói, về mặt phân phối thì  ‘’chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lí: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom’’12. Muốn phân phối công bằng thì cán bộ phải chí công vô tư, chớ nên cái gì tốt thì dành cho mình, xấu thì để cho người khác. Muốn có công bằng thì còn phải chống nạn lãng phí, tham ô, quan liêu, mệnh lệnh của các cấp lãnh đạo, các cơ quan Nhà nước gây ra. Bởi vì, những bệnh này có sức phá hoại ghê gớm. Nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô thì nó sẽ cản trở, phá hoại nền kinh tế, làm mất cơ sở, điều kiện nâng cao đời sống nhân dân.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá, hội nhập kinh tế thế giới ở nước ta hiện nay.

Đổi mới kinh tế –xã hội hơn hai mươi năm qua là cơ sở để nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân và đời sống nhân dân đã được cải thiện rất rõ. Tuy nhiên, mức sống, tiền lương, thu nhập của công nhân, lao động chưa tương xứng với những thành quả của công cuộc đổi mới và sự tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, vấn đề thực tiễn đặt ra là cần có những chính sách tiền lương, phân phối lợi nhuận công bằng, hợp lý hơn, nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với công nhân, lao động. Bởi vậy, các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể cần thực hiện tốt Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Cụ thể là:

Bổ sung, sửa đổi, xây dựng các chính sách để phát huy các nguồn lực và trách nhiệm của cả Nhà nước, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, của toàn xã hội và của công nhân trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân tương xứng với năng suất lao động và những đóng góp của công nhân. Nhà nước có chính sách đầu tư cho các tỉnh, thành phố để xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng cho công nhân.

Đề cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chăm lo lợi ích, đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân; tính tự giác của người sử dụng lao động và của công nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong doanh nghiệp; xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm.

Cải thiện điều kiện lao động, bảo hộ lao động, phòng, chống có hiệu quả tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tăng cường chăm sóc sức khoẻ công nhân, nhất là đối với công nhân nữ, những công nhân làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tăng cường đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế, nhất là ở những nơi có đông công nhân.

Nghiên cứu sửa đổi quy định về tiền lương, nâng mức lương tối thiểu đối với khu vực sản xuất kinh doanh; quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương để người lao động và người sử dụng lao động có cơ sở xác định tiền lương hợp lý, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi của người lao động; nâng cao năng lực quản lý lao động, tổ chức tiền lương, nhất là công tác định mức lao động trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

 Lê Thanh Hà


1,2: HCM toàn tập,tập 7, NXB Chính trị quốc gia,HN-1996 tr572.

3: Sđ d, tập 8,tr 48. 

4,5: Sđd tập 8, tr150,226 

6 Sđd, tập 8, tr 150.

7 Sđd, tập 7, tr 414

8 Sđd, tập 8, tr 120

9 Sđd, tập 7, tr 568

10 Sđd, tập 8, tr 349

11 Sđd, tập 8, tr 371

12 Sđd, tập 9, tr 175