Kỷ niệm sâu sắc trong hoạt động công đoàn
Là cán bộ chuyên trách Công đoàn Tổng Công ty Xây dựng CN VN, qua những năm tham gia tổ chức hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên chức đã đọng lại rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, có những kỷ niệm thật vui và cảm động, có những chuyến đi làm xích lại gần nhau hơn giữa người lao động và tổ chức Công đoàn, nghĩa tình nơi đây thật ấm áp!
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, hưởng ứng cuộc thi viết về những kinh nghiệm và kỷ niệm sâu sắc trong hoạt động công đoàn, tôi xin chia sẻ một ký ức không thể nào quên.
Vào một ngày cuối đông năm 2006, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Công đoàn cấp trên với phương châm “tất cả mọi nhà đều có tết”. Được Công đoàn Tổng Công ty phân công, tôi cùng với đoàn công tác gồm các công đoàn cơ sở đi thăm các gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của một số đơn vị khu vực tỉnh Thái Nguyên. Sau khi đã thăm hỏi các gia đình theo kế hoạch, đến gia đình cuối cùng của một Xí nghiệp, vì yêu cầu sản xuất phải tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng và có thời gian nghỉ Tết, Lãnh đạo đơn vị bố trí cho chúng tôi trao quà tại ngay tại Xưởng sản xuất. Khi chúng tôi đến đã thấy có Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn và một số công nhân lao động vừa nghỉ giữa ca. Sau khi thông báo mục đích ý nghĩa chuyến thăm và trao quà Tết của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam, của Công đoàn Tổng Công ty, Đ/c Chủ tịch Công đoàn Công ty giới thiệu đây là chị H, Công nhân Cơ khí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, một mình phải nuôi ba con (hai con đẻ, một con nuôi) cộng thêm chồng là bốn, thấy mọi người ngạc nhiên, được lời như cởi tấm lòng chị liền kể một mạch.
“… Chồng em trước đây cũng là công nhân, khi nhà máy giảm biên chế được về nghỉ chế độ “một cục”, khó khăn chồng lên khó khăn kể từ khi tự nhiên gia đình tăng thêm một nhân khẩu. Sự thể là, một lần đi làm ca hai về, bỗng em nghe tiếng trẻ khóc não lòng, chưa hiểu chuyện gì, em liền quẳng xe đạp vào vệ đường đi về phía có tiếng khóc, trời thì tối như mực, căng mắt ra nhìn, em không tin vào mắt mình được nữa, trước mặt là một sinh linh bé nhỏ quấn sơ sài trong chiếc áo cũ, chẳng kịp suy nghĩ em bế thốc đứa bé vào lòng chạy một mạch về nhà quên cả chiếc xe đạp. Chồng và bọn nhỏ nhà em không hiểu chuyện gì xảy ra, mắt tròn mắt dẹt, đặt đứa bé xuống giường, thở một lúc em mới chậm rãi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong anh ấy buột miệng “ai mà thất đức vậy nỡ nhẫn tâm vứt bỏ cả giọt máu của mình”, rồi anh ấy tán vui “coi như nhà ta được của”. Cả đêm hôm đó cả gia đình em hầu như thức trắng, hai vợ chồng bàn bạc tính nát cả óc, cuối cùng quyết định để nuôi đứa bé đã được cả nhà đồng tình, bọn trẻ thì vui ra mặt”.
Chuyện nhận nuôi đứa bé trở thành đề tài sáng hôm sau của cả xóm thợ, người thì bảo nhà nó đã ba vịt trời chắc kiếm thêm một cho đủ “tứ nữ bất bần chăng?”. Kẻ cạnh khoé, chắc ông chồng đánh quả bị người ta trả con cũng nên, cũng có người thương tình gợi ý nên cho đứa bé đi vì nhà em hoàn cảnh quá… em vâng dạ cho qua chuyện. Em nói với chồng miễn là vợ chồng mình hiểu nhau, coi nó như con là được, tất cả dị nghị em đều bỏ ngoài tai.
Các bác tính cả nhà chỉ chờ vào một suất lương ít ỏi của em mà những năm “tàu há mồm”, được cái con bé hay ăn, ăn gì cũng được, chóng lớn thông minh nữa, năm nay cháu đã đi học mẫu giáo rồi. Thật sự không thể kể hết được sự biết ơn của gia đình em với tổ chức Công đoàn, chính các bác đã thường xuyên quan tâm, động viên, chia sẻ và hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất có thể để giúp đỡ gia đình em. Lại một cái Tết nữa đến với mọi người, ông cha ta có câu “già được bát canh, trẻ được manh áo mới”, Tết này các cháu nhà em lại có bánh, có áo mới rồi và chị lấy tay áo quệt những giọt nước mắt cảm động và hạnh phúc… Chúng tôi - những người có mặt cũng không kìm được cảm xúc vì mình cũng đã thực hiện được mục tiêu “đưa cái Tết đến với mọi nhà” .
Hoàng Hữu Phương