[In trang]
Vai trò của công đoàn cơ sở trong việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp.
Thứ hai, 11/04/2016 - 11:01
TƯLĐTT được thương lượng và ký kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai

Thỏa ước lao động tập thể ( TƯLĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. TƯLĐTT được thương lượng và ký kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai.


TƯLĐTT là công cụ cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp, làm cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với người lao động. TƯLĐTT tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động, tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng nhằm đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật lao động. TƯLĐTT là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là khi xảy ra các tranh chấp lao động và quá trình giải quyết tranh chấp lao động phát sinh trong doanh nghiệp.

Trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT cần đảm bảo các nguyên tắc sau: Nguyên tắc tự nguyện: TƯLĐTT phải xuất phát từ quyền lợi của phái mình mà tự nguyện tham gia với thiện chí, không có sự ép buộc giữa hai bên hoặc sức ép từ người thứ ba; nguyên tắc bình đẳng: Không được lấy thế mạnh về địa vị kinh tế, hoặc lấy thế mạnh về lực lượng để gây áp lực, áp đặt yêu sách; nguyên tắc công khai: Mọi nội dung thương lượng và cam kết thực hiện đều liên quan đến quyền lợi thiết thân của tập thể lao động, vì vậy tập thể lao động phải được biết, được tham gia đóng góp và chỉ khi có trên 50% người lao động trong doanh nghiệp đồng ý thì mới có thể ký kết.

Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, tranh chấp lao động xảy ra ngày càng nhiều, làm tổn hại đến lợi ích của các bên, cho nên TƯLĐTT là văn bản pháp lý quan trọng, là Luật Lao động con của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động, tạo ra những ràng buột cả hai bên đều có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện các cam kết; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp; phòng ngừa và hạn chế những tranh chấp lao động, xung đột lao động.

Công đoàn với chức năng đại diện chăm lo cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; là người đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người lao động trong qúa trình hoạt động của doanh nghiệp. Công đoàn cần phải coi TƯLĐTT là phương tiện hữu hiệu nhất để đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động. Vì vậy, với tư cách là đại diện cho tập thể người lao động trong quá trình thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp, Ban chấp hành công đoàn cơ sở cần phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đã được tập thể người lao động giao phó và cần phải làm tốt một số nội dung sau:

1/ Làm tốt công tác chuẩn bị: Thu thập và xử lý các loại thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần người lao động; nắm vững các quy định của pháp luật lao động; dự kiến thành phần tham gia vào Ban đại diện xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT; thống nhất các mục tiêu cần đạt được của thỏa ước; liên hệ với các cơ quan chức năng để tham khảo ý kiến và tranh thủ sự giúp đỡ khi cần thiết.

2/ Tiến hành thương lượng với người sử dụng lao động: xác minh mục tiêu, yêu cầu của thương lượng và thống nhất ý kiến trong Ban đại diện; vận dụng các phương pháp, kỹ năng để tác động lên đối tác thương lương nhằm đạt mục đích thương lượng; tổ chức lấy ý kiến và tập hợp ý kiến đóng góp của người lao động nhằm hoàn thiện thỏa ước trước khi tiến hành ký kết.

3/ Tổ chức thực hiện thỏa ước: Tuyên truyền, phổ biến TƯLĐTT đến người lao động; kiến nghị người sử dụng lao động điều chỉnh các HĐLĐ đã được ký có lợi ích thấp hơn, các qui định về lao động trong doanh nghiệp cho phù hợp với TƯLĐTT mới; phối hợp với người sử dụng lao động kiểm tra định kỳ việc thực hiện thoả ước của các bên; xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động.

Võ Minh Thuận