Việc tái cơ cấu để nhằm tinh gọn bộ máy tại Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục là chủ đề nóng trên nhiều tờ báo trong những ngày qua.
Các báo đưa tin, theo một dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện, cơ cấu bộ máy của Bộ Công Thương sẽ giảm từ 35 xuống còn 28 đơn vị, nếu được Thủ tướng chấp thuận, thì sẽ áp dụng ngay trong tháng 12 này.
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời nguyên một cán bộ của Bộ Công Thương băn khoăn rằng: "Liệu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có đủ dũng khí, không ngại đụng chạm để cắt giảm nhân sự yếu kém, kể cả con ông cháu cha hay không? Nếu không thì việc tái cơ cấu khó mà đạt hiệu quả vì sẽ dẫn tới tình trạng cộng gộp cơ học bộ máy, nội bộ bất hòa".
Bên cạnh đó, thông tin về gạo xuất khẩu bị trả về không độc hại cũng được nhiều báo quan tâm, đăng tải. Các cơ quan chức năng khẳng định một số lô gạo của doanh nghiệp Việt xuất sang Mỹ bị trả về là không độc hại, không mất an toàn thực phẩm như nhiều người lo ngại. Dù vậy, với xu thế hội nhập, xóa bỏ hàng rào thuế quan thì các nước nhập khẩu càng nâng cao hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nên chuỗi sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải tìm cách khắc phục để đáp ứng được.
Để tạo thuận lợi trong xuất khẩu gạo sang thị trường khó tính, nhiều doanh nghiệp cho biết rất cần đầu mối cập nhật thông tin về quy định của các thị trường này để tránh bị vi phạm, bị trả lại hàng, gây mất uy tín gạo Việt. Trước đây, từng có trường hợp gạo Việt xuất khẩu sang Mexico bị mọt, giảm chất lượng. Đến khi truy tìm nguyên nhân thì mới phát hiện container vận chuyển bị thủng gây ra tình trạng này. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ vận chuyển.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty... trong Ngành công khai tài sản, thu nhập năm 2016; Quảng Nam loại 2 dự án và thu hồi 1 dự án thủy điện; Bộ Y tế từ chối chủ trì xử lý Vinastas vụ nước mắm; Công nghiệp 4.0 tác động gì đến ngành dệt may Việt Nam?
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty... trong Ngành công khai tài sản, thu nhập năm 2016.
Trên nhiều báo đăng tải Văn bản này được ban hành nhằm triển khai công tác minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ và Công văn số 10575/BCT-TTB ngày 24/10/2014 của Bộ Công Thương về việc triển khai, tổng hợp, báo cáo công tác minh bạch tài sản, thu nhập.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng quy định về việc xây dựng, triển khai kế hoạch, thực hiện kê khai, công khai bản kê khai, xác minh, xử lý về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2016.
Mức lương của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước luôn được xã hội quan tâm. Nhìn vào mức thu nhập của lãnh đạo các doanh nghiệp lớn này, người ta đánh giá được mức độ hoạt động của doanh nghiệp, mức chi trả tiền lương có tương xứng với công sức điều hành của lãnh đạo các doanh nghiệp đó hay không.
2. Quảng Nam loại 2 dự án và thu hồi 1 dự án thủy điện.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Sở Công Thương liên quan đến rà soát các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh theo kết luận của TTgCP, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương loại bỏ 2 dự án thủy điện vừa và nhỏ AgRồng và Nước Xa ra khỏi quy hoạch do không đảm bảo theo quy định tại Thông tư 43/2013/TT-BCT của Bộ Công Thươg; chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án thủy điện Đăk Di 4 của CTCP thủy điện Đăk Di 4 do vi phạm về ký quỹ và cam kết tiến độ triển khai thực hiện dự án.
3. Bộ Y tế từ chối chủ trì xử lý Vinastas vụ nước mắm.
Bộ Y tế phản hồi việc Bộ Công Thương kiến nghị TTgCP giao Bộ Y tế chủ trì xem xét, xử lý các hành vi vi phạm của Vinastas là không phù hợp vì theo chức năng nhiệm vụ của Bộ Y tế không quản lý hoạt động về hội và không phải là đơn vị kiểm tra Vinastas.
Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Vinastas. Việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của Vinastas có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”. Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị TTgCP giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định pháp luật.
4. Công nghiệp 4.0 tác động gì đến ngành dệt may Việt Nam?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet sẽ nâng cao mức thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống khi các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra với chi phí thấp, việc thực hiện được đơn giản hóa. Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 dự báo cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các ngành sản xuất. Đó là nguy cơ mất việc làm cao đối với một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy. Công nghiệp 4.0 có thể thay thế 85% lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập kỷ tới.
Do đó, để khuyến nghị giải pháp đối với các doanh nghiệp dệt may, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về công nghiệp 4.0, sự tác động của nó bằng cái nhìn thực tế, khách quan phù hợp với đặc điểm của một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thị hiếu, thời tiết, vùng miền,giá cả... Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ...
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)