Chính phủ Singapore luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức công đoàn hoạt động và trên thực tế đã tạo dựng được mô hình kiểu mẫu hợp tác giữa công đoàn, nhà nước, doanh nghiệp.
Singapore quá khứ chỉ là một làng chài yên bình, nay đã trở thành một đất nước - một thành phố quốc tế phát triển sôi động với môi trường sống đẳng cấp hàng đầu thế giới, là nơi giao thoa của những nét đẹp tinh túy từ phương Đông và phương Tây, là quốc gia được đánh giá quản lý vào hàng tốt nhất. Với đời sống xã hội hài hòa ổn định, pháp luật nghiêm minh, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lực lượng lao động chất lượng cao, chênh lệch giàu nghèo không lớn, hơn 30 năm nay không có biểu tình, bãi công. Là một nước đầu tiên trên thế giới thực hiện chính sách đại đa số người dân đều có nhà ở, mức sống từng bước nâng cao rõ rệt, toàn dân được hưởng những dịch vụ tốt hàng đầu về đời sống, đi lại, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường xanh và sạch.
Ngược theo dòng lịch sử, Thủ tướng Singapore - ông Lý Quang Diệu, người kiến lập nên nhà nước Singapore ngày nay cũng đã bắt đầu sự nghiệp bằng hoạt động công đoàn, hoạt động đấu tranh vì người lao động với tư cách là cố vấn pháp luật và nhà thương thuyết của người lao động. Do vậy, nên ông có sự thấu hiểu, đồng cảm, dành nhiều sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động công đoàn và chia sẻ với đời sống của công nhân lao động. Không những vậy, đã có 03 Chủ tịch của Đại hội Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) được bầu là Tổng thống của Singapore như ông Devan Nair năm (1981-1985); ông Ong Teng Cheong (1993-1999); ôngSellapan Ramanathan (1999-2011). Ở Singapore NTUC là cơ quan duy nhất nắm giữ vai trò lãnh đạo công đoàn với 98% thành viên thuộc các công đoàn trực thuộc và là một tổ chức góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Singapore.
Năm 1968 Singapore thông qua Luật Quan hệ lao động, Luật Công đoàn sửa đổi, trong đó quy định rõ ràng về các điều kiện làm việc tối thiểu, đặt ra những giới hạn về trợ cấp, những khoản thưởng làm thêm giờ và trợ cấp làm thêm, các điều khoản về các ngày ngày làm việc, ngày nghỉ lễ, nghỉ phép, thai sản, nghỉ bệnh. Đây là nền tảng cho sự hòa giải và giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động. Năm 1968 công nhân lao động được phép dùng tiền tiết kiệm Quỹ dự phòng trung ương (CPF), quỹ tiết kiệm cho người về hưu, lương hưu đã tích lũy để trả 20% tiền đặt cọc mua nhà và khoản còn lại sẽ được trả góp hàng tháng trong vòng 20 năm. Năm 1990 thành lập Học viện Nghiên cứu Lao động để giảng dạy về những mối quan hệ lao động và các vấn đề liên quan.
Mục tiêu chính của hoạt động công đoàn Singapore
Công đoàn Singapore kiến lập niềm tin, tạo sự tín nhiệm và lòng tin cậy để thu hút đoàn viên, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên và tương lai của họ; kiến tạo sự tương đồng trong mục đích giữa công đoàn với chính phủ, doanh nghiệp để tạo sự hấp dẫn đầu tư, đồng thời tạo sự tương hỗ trong quyền lợi giữa người lao động với người sử dụng lao động; tổ chức vận động, thuyết phục đoàn viên, người lao động nhằm tạo ra bầu không khí làm việc tích cực để vun đắp mối liên kết ổn định trong doanh nghiệp và triệt để tuân thủ các quy định tại nơi công cộng.
Người lao động Singapore
Kiến tạo sự cộng sinh, tương hỗ giữa các bên, tạo sự biến đổi từ một mối quan hệ đấu tranh và đối đầu thành sự hợp tác và cộng tác, đóng vai trò tích cực và phối hợp chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo việc làm; tăng cường hợp tác để nâng cao năng suất lao động để tăng cường khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm đạt mức tăng trưởng kinh tế của đất nước để có lợi cho tất cả các bên có liên quan và một yếu tố quan trọng đó là mọi người lao động đều có phần trong thành quả của sự phát triển.
Nỗ lực không ngừng để cải thiện điều kiện làm việc cho đoàn viên, vì cuộc sống tốt hơn cho tất cả người lao động và gia đình của họ; làm sao để giảm đi những suy nghĩ rằng công nhân lao động thuộc tầng lớp thấp hơn của xã hội, bị loại trừ ra khỏi những điều kiện sống tốt đẹp mà chỉ những người thành đạt, khá giả mới được hưởng thụ.
Mô hình và cơ chế hoạt động
Trước hết Chính phủ Singapore luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức công đoàn hoạt động và trên thực tế đã tạo dựng được mô hình kiểu mẫu hợp tác giữa công đoàn, nhà nước, doanh nghiệp. Công đoàn đã tập trung theo chiến lược mô hình hoạt động hiệu quả nhất, sau khi đã rút ra được những bài học từ những mô hình khác và ứng dụng các mô hình đó vào thực tế; đó là công đoàn có những hoạt động thực sự vì người lao động, được tổ chức tốt hơn, làm việc có hiệu quả hơn.
Công đoàn thống nhất với Chính phủ, doanh nghiệp đưa ra một khuôn khổ, hành lang pháp lý để quản lý những mối quan hệ lao động với các quy định, chế tài rõ ràng, công khai, minh bạch, mà trong đó các bên đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ thực hiện nghiêm túc. Điển hình như thành lập Toà án quan hệ lao động, sau khi thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể, bản thoả ước sẽ được gửi tới toà án quan hệ lao động. Khi toà án quan hệ lao động công nhận và công bố rộng rãi mà người sử dụng lao động vi phạm các điều khoản thì đó sẽ là một việc nghiêm trọng.
Chính phủ, doanh nghiệp và công đoàn xác định định động cơ thúc đẩy và sự đãi ngộ cho người lao động là điều cốt yếu đối với một nền kinh tế có năng suất. Công đoàn Singapore đã thành lập doanh nghiệp dịch vụ để phục vụ đoàn viên và người lao động như tổ chức hoạt động hiệu quả như các hợp tác xã dịch vụ, doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, bảo hiểm nhân thọ, dịch vụ y tế, chăm sóc trẻ, khách sạn nghỉ mát, các câu lạc bộ, đài phát thanh, phát triển các chung cư có chất lượng mà các đoàn viên có thể mua được. Hoạt động công đoàn đã đi vào nhiều hình thức mới lạ, cuốn hút, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên giải trí và vui chơi tốt hơn sau giờ làm việc.
Công đoàn NTUC là thành viên của Hội đồng năng suất Quốc gia, là bộ phận cấu thành quan trọng không thể thiếu của phong trào “Tăng năng suất”; trong đó công đoàn đã triển khai điều phối và tổ chức các hoạt động thường xuyên như khuyến khích đoàn viên, người lao động với các hoạt động đề xuất, cải tiến công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí và cố gắng đạt độ hư hỏng ở mức bằng không. Hoạt động công đoàn luôn hướng đến tạo dựng bầu không khí đoàn kết, hăng hái để làm việc tốt hơn và rẻ hơn.
Công đoàn Singapore duy trì mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, cộng sinh với Chính phủ và trên thực tế đã có cơ chế trao đổi, chỉ định, biệt phái, bổ sung cán bộ công đoàn tham gia công tác tại cơ quan của chính phủ, nghị viện, doanh nghiệp. Chính phủ khuyến khích NTUC nhận các nghị sĩ đến làm việc toàn thời gian với các công đoàn và chỉ định những nghị sĩ làm cố vấn cho các công đoàn và đưa các vấn đề của người lao động và công đoàn đoàn vào nghị viện (quốc hội). Đồng thời cũng có nhiều cán bộ kinh qua hoạt động công đoàn tham gia vào công tác quản lý nhà nước, điều hành doanh nghiệp. Những bổ sung như vậy vào nguồn nhân lực của công đoàn tạo nên một sự khác biệt về chất lượng.
Một số khuyến nghị
- Một yếu tố quan trọng để hoạt động công đoàn đạt hiệu quả là phải có một công đoàn đủ mạnh. Do đó, để bảo vệ tốt quyền và lợi ích của người lao động thì tổ chức công đoàn phải thực sự vững mạnh, chặt chẽ, hoạt động thống nhất, đội ngũ cán bộ phải tinh nhuệ, luôn vì người lao động mà hoạt động, làm việc. Bộ máy tinh gọn, cần thiết cán bộ chuyên trách, cán bộ không chuyên trách thì phải tâm huyết, nhiệt tình. Tập trung ưu tiên số một là chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; đồng thời tìm mọi nguồn lực để nâng cao quyền lợi của đoàn viên.
- Kiến lập các tiền đề, điều kiện để công đoàn phát huy vai trò, vị thế trong thực tiễn với cơ sở pháp lý, điều kiện đảm bảo khả thi trong thực hiện triển khai nhiệm vụ; có cơ chế, thiết chế để xây dựng một nền tảng hợp lý cho quan hệ lao động, cân bằng trong quyền lợi để để doanh nghiệp, người lao động hiểu, tin tưởng và hưởng ứng các hoạt động của công đoàn.
- Tạo sự khác biệt giữa đoàn viên và người lao động chưa phải là đoàn viên. Có thẻ đoàn viên sẽ được nhận những ưu đãi, được giải trí và vui chơi tốt hơn (mua sản phẩm được giảm giá, được mua, thuê nhà ở xã hội với mức giá hợp lý, ưu đãi và được hưởng thụ các thiết chế văn hóa thể thao, được giảm giá vé tàu, xe và được tiếp cận thư viện, phòng đọc, điểm chiếu phim, sân khấu nhỏ và các dịch vụ sinh hoạt khác...).
- Tạo dựng cơ chế, kênh thông tin kịp thời, linh hoạt để trao đổi, đối thoại thường xuyên, chia sẻ, tương tác giữa công đoàn cấp dưới với công đoàn cấp trên; giữa công đoàn với người lao động; giữa công đoàn với Chính phủ và doanh nghiệp. Kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, ưu tiên bố trí nguồn tài chính đáp ứng hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Cán bộ công đoàn phải trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để công đoàn cơ sở chủ động thực hiện nhiệm vụ.
- Nên có cơ chế lựa chọn và kênh trao đổi cán bộ đối với người xuất thân, trưởng thành từ hoạt động công đoàn vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và ngược lại.
- Quyết liệt thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ; chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan thực hiện, triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất” với các hạng mục như xây nhà ở, nhà cho thuê giá rẻ, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, khu văn hóa thể thao. Với sự hỗ trợ về quỹ đất, thuế, phí, quy hoạch, kiểu mẫu; cùng với các nguồn từ các nhà tài trợ, ủng hộ và với sự chung tay góp sức của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động cả nước thì những căn hộ được thiết kế diện tích từ 30-50 m2, với mức giá từ 3-5 triệu đồng/m2 được coi là khả thi và có thể thực hiện được. Như vậy với khoảng 120 triệu đồng/căn hộ, cùng với nhiều hình thức trả góp, đoàn viên và người lao động có thể sở hữu một căn hộ của chính mình.
Trần Phong (tổng hợp)