[In trang]
Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động
Thứ năm, 24/11/2016 - 08:25
Bộ luật Lao động (sửa đổi) sắp tới cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung quy định tiền lương

Những bất cập... 

Thực tế, sự tác động qua lại giữa chính sách tiền lương phù hợp với năng suất, chất lượng, hiệu quả sẽ là yếu tố ổn định và phát triển kinh doanh, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Làm tốt được điều này sẽ hạn chế được tình trạng đình công bất hợp pháp như thời gian vừa qua.


Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cho rằng, vấn đề tiền lương trong quan hệ lao động từ văn kiện, Nghị quyết của Đảng, giáo trình trong trường học đến cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách có chung nội dung coi sức lao động là hàng hóa, tiền lương là giá cả sức lao động được trao đổi theo quan hệ cung cầu trên thị trường có sự can thiệp quản lý của nhà nước nhằm bảo vệ sự yếu thế của người lao động trong việc thỏa thuận, chống bóc lột và đói nghèo. Tuy nhiên, để tạo bình đẳng cho người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động ở mọi loại hình, lĩnh vực, ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thì chính sách tiền lương phải được quy định cụ thể trong các VBQPPL, đặc biệt là trong Bộ luật Lao động.

Thực tế, tiền lương làm cơ sở để người lao động và người sử dụng lao động thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc khác như đóng, hưởng BHXH, BHYT, trợ cấp mất việc làm... Với vai trò là người đại diện chủ sở hữu cho nên Nhà nước phải quản lý chi phí tiền lương, quy định chi tiết thang lương, bảng lương, hệ số mức lương, phụ cấp lương, hình thức trả lương, cách trả lương đối với lao động trong các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Có chuyên gia cho rằng, với quy định này hiện nay không phù hợp. Lý giải về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, tiền lương là giá cả sức lao động hình thành trên thị trường phụ thuộc rất nhiều vào tổ chức, công nghệ sản xuất, kinh doanh; tổ chức, phân công và sử dụng lao động; phụ thuộc vào trình độ quản lý của người điều hành và quan hệ cung cầu trên thị trường ở các khu vực, địa bàn khác nhau. Cho dù cùng một nghề kinh doanh, cùng địa bàn thì thang bảng lương, mức lương cũng không thể như nhau. 

Thực tế đang diễn ra việc chi trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp nhà nước được xếp theo hệ số nhân với mức lương tối thiểu chung để thực hiện các chế độ đóng, hưởng bắt buộc, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân thì lấy theo mức lương được quy định cụ thể không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để trả lương và thực hiện các chế độ đóng, hưởng bắt buộc như BHXH, BHYT. Điều này đang tạo sự bất bình đẳng trong thực thi chính sách.

Vấn đề đặt ra là tiền lương cần phải được hiểu một cách thống nhất, không được phân biệt theo chế độ sở hữu, lao động làm việc ở doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào, kể cả doanh nghiệp có nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. 

Quy định về tiền lương như thế nào cho hợp lý?

Để giải quyết bất cập về chế độ tiền lương, các chuyên gia cho rằng cần tuân thủ trình tự cấu trúc về tiền lương để thể hiện rõ ràng, quy định cụ thể, chính xác từng nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)… Cho ý kiến về vấn đề này, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cho rằng, nếu cần phải quy định khái niệm tiền lương trong quan hệ lao động thì nên quy định có tính chất chung nhất. Đồng thời, căn cứ vào mức sống tối thiểu của toàn xã hội, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu cho lao động xã hội. Đối với mức lương tối thiểu của doanh nghiệp nên giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương cùng tổ chức (công đoàn) đại diện tập thể người lao động, người sử dụng lao động công bố mức lương tối thiểu trong quan hệ lao động tại địa phương mình trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp tính toán, xác định, điều chỉnh do Chính phủ quy định và không được thấp hơn mức lương tối thiểu xã hội. Cách làm này vừa kịp thời, thực tế lại gắn với trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, trách nhiệm của tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động tại địa bàn. 

Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý để người lao động, tổ chức đại diện tập thể người lao động làm căn cứ thương lượng, thỏa thuận với người sử dụng lao động quy định cụ thể tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp thì các chế độ tiền lương như thang lương, bảng lương, mức lương, phụ cấp lương, lương làm đêm, làm thêm giờ; các hình thức trả lương và cách trả lương... cần phải được cụ thể hóa trong luật. Đây là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật quy định về tiền lương. 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) sắp tới cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung quy định tiền lương vì tiền lương là yếu tố quyết định hiệu quả làm việc hay không của người lao động. Bên cạnh đó, nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ là nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp lao động và đình công bất hợp pháp, đồng thời phá vỡ mối quan hệ hài hòa của người sử dụng lao động và người lao động.

 (Theo daibieunhandan.vn)