[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 23/11
Thứ tư, 23/11/2016 - 16:40
Trên hầu hết các báo ra ngày hôm nay 23/11 đăng tải thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề của Chính phủ

Trên hầu hết các báo ra ngày hôm nay 23/11 đăng tải thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề của Chính phủ chiều 22/11 về việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Các bài viết đều đồng thuận với lý do Chính phủ đưa ra việc dừng dự án không phải vì công nghệ không an toàn, mà vì tình hình kinh tế, đất nước cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như sân bay, đường bộ - đường sắt cao tốc Bắc – Nam...


Báo chí tiếp tục đưa tin về các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV ngày 22/11, về Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Dự án Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi.

Thảo luận Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, công nghệ lạc hậu tuồn vào Việt Nam không chỉ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế mà còn gây tác hại lâu dài về môi trường. Nếu không cẩn trọng thì Việt Nam cũng có thể nguy cơ trở thành bãi rác. Vì thế, khi thẩm định, xét duyệt các dự án đầu tư cần có cơ chế kiểm tra chéo để đảm bảo không có khe hở cho những đối tượng vì hám lợi vẫn cố tình lách luật.

Về luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm từng bộ, ngành để bảo đảm tính khả thi trên thực tế.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, vừa được Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc sáng 23/11:

Xử lý nghiêm các cá nhân liên quan dự án lỗ ngàn tỉ nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo: Rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Giám sát chặt chẽ Formosa: Theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung; bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ dự án trước khi đi vào sản xuất.

Đồng thời, hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan đến khí tượng thủy văn và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai kế hoạch Châu thổ Đồng bằng Sông Cửu Long, triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu...

Tránh tạo áp lực cho phụ huynh và học sinh; Sớm cải cách chính sách tiền lương.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh:Hai doanh nghiệp Việt Nam tham gia tự chứng nhận xuất xứ; Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Tiêu thụ nhiều, nhưng rủi ro; Cuối năm, hàng nhái lại tung hoành; Phớt lờ nguy hiểm, vô tư vây quanh trạm biến thế; Cháy nhà máy nhiệt điện của Vinacomin.

Thông tin cụ thể như sau:    

1. Hai doanh nghiệp Việt Nam tham gia tự chứng nhận xuất xứ.

Trong khuôn khổ Dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong khu vực ASEAN, đã có 2 doanh nghiệp của Việt Nam là Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam đã tham gia tự chứng nhận xuất xứ.

Việc tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm thời gian xin cấp C/O truyền thống, chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa.

2. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Tiêu thụ nhiều, nhưng rủi ro.


Là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam, nhưng cách chơi của thị trường Trung Quốc cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch rất khó hiểu, nên các doanh nghiệp cần lưu ý. Về xuất khẩu chính ngạch, nước này thường áp dụng về nhiều biện pháp phi thuế quan, có chính sách hỗ trợ nông nghiệp nội địa được đánh giá là không rõ ràng, thiếu minh bạch.

Điển hình như đối với mặt hàng cá tra. Năm 2016, thị trường TQ được xem là hiện tượng khi tăng rất mạnh, là nơi tiêu thụ khoảng 60% về tôm và cá tra 30%. Tuy nhiên, thời gian qua, cách họ thu mua thủy sản gây nên sự rối loạn, theo hướng tiêu cực. Giai đoạn tháng 4-6, họ tập trung mua cá tra cỡ lớn 1,2-1,3 kg/con, nhưng loại này ở ta không có nhiều. Trong khi hai tháng lại đây, họ mua cá cỡ nhỏ chỉ 300 gram/con.

3. Cuối năm, hàng nhái lại tung hoành.

Hàng năm, nạn buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái làm thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Hàng giả hiện diện khắp mọi nơi từ phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm... đến cả thức ăn hằng ngày cũng bị giả nốt. Tuy nhiên, những vụ việc phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế đời sống xã hội và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM thừa nhận mặc dù thường xuyên ra quân kiểm tra, xử phạt các điểm nóng nói trên, nhưng căng sức làm mà vẫn không xuể. Để đảm bảo hàng hóa dịp trước, trong và sau tết, lực lượng QLTT sẽ tăng cường trong công tác đấu tranh chống vận chuyển hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại. 

4. Vấn đề nguy hiểm xung quanh các trạm biến thế.

hản ánh vấn đề đang được dư luận quan tâm, trên báo Tuổi trẻ có bài viết “Phớt lờ nguy hiểm, vô tư vây quanh trạm biến thế”. Bài viết phản ánh: Hiện nay các trạm biến thế dù được đặt trên cao và đảm bảo khoảng cách an toàn với nhà dân, công trình lân cận nhưng nhiều người dân vẫn sinh hoạt, buôn bán ngay bên dưới các trạm biến thế này. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu xảy ra sự cố cháy nổ.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó TGD Tổng Cty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố có hàng chục ngàn trạm biến thế. Đối với các trạm biến thế do EVN HCMC quản lý vận hành được thực hiện nghiêm ngặt. Gần như mỗi tháng nhân viên điện lực sẽ đo tải các trạm biến thế để có những điều chỉnh, nâng cấp phù hợp. Mặt khác, các trạm biến thế này được các đơn vị vận hành ở mức khoảng 60% công suất (40% còn lại ở mức dự phòng) nên khó có tình trạng quá tải dẫn đến sự cố.

Ông Bảo cũng cho biết EVN HCMC đang tiến hành rà soát xem có trường hợp trạm biến thế nào bị người dân lấn chiếm để buôn bán, vi phạm khoảng cách an toàn để từ đó có biện pháp nhắc nhở, xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

5. Cháy nhà máy nhiệt điện của Vinacomin.

Trên nhiều báo đưa tin: Sáng 22/11, Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả (tại phường Cẩm Thịnh, T.P Cẩm Phả), CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả Vinacomin, thuộc Công ty con của Tổng công ty Điện lực - TKV đã xảy ra vụ cháy. Do phương án cứu hỏa triển khai nhanh chóng nên đã ngăn được ngọn lửa liếm sát nhà máy. Hậu quả, nhà xưởng phía sau bị thiêu rụi.

Đại diện Vinacomin cho biết, vụ cháy không lớn như dư luận bàn tán. Đến 7h30, tất cả các nguồn gây cháy đã được khống chế, đám cháy được dập tắt, không có thiệt hại về người. Thông tin vụ cháy bước đầu là do chập cháy đường cáp ngầm. Hiện tập đoàn đã huy động lượng lượng chức năng của Tổng công ty Điện lực và Vinacomin đến hiện trường xử lý hậu quả.

Được biết, nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả được đầu tư xây dựng quản lý vận hành và bán điện cho hệ thống điện Quốc gia.

 LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)