[In trang]
Thông tin tổng hợp ngày 21/11
Thứ hai, 21/11/2016 - 17:30
Ngày 21/11 trên một số báo đưa tin, trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (từ 21 - 23.11), Quốc hội sẽ lấy biểu quyết về việc dừng thực hiện dự án Xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Ngày 21/11 trên một số báo đưa tin, trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (từ 21 - 23.11), Quốc hội sẽ lấy biểu quyết về việc dừng thực hiện dự án Xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

 Cũng trong tuần làm việc cuối của kỳ họp thứ 2, đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường dự án Luật quy hoạch và Luật cảnh vệ (ngày 21/11), biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; thảo luận ở hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) (sáng 22/11).

Phiên bế mạc kỳ họp sáng 23/11, Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn. 

Trên Đầu tư số ra ngày hôm nay 21/11, đáng chú ý là bài viết “Lãi khủng, doanh nghiệp xăng dầu phớt lờ Euro 4”tác giả phản ánh: Các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu dường như đang đứng ngoài cuộc chơi cung cấp nhiên liệu sạch để đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Bài viết đưa thông tin doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn phân tích xung quanh các báo cáo tài chính quý III vừa được công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn. Bài viết nhấn mạnh: Lãi lớn nhưng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu lại đang phớt lờ lộ trình cung cấp nhiên liệu sạch để thực hiện tiêu chuẩn khí thải Euro đang cận kề. Trước đó, tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành năm 2011, đã đưa ra lộ trình từ năm 2017, ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4). Tuy nhiên, hiện nay vẫn mới chỉ có các doanh nghiệp ô tô chuẩn bị cho việc áp dụng Euro 4, trong khi cả Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu vẫn “bình chân như vại”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp sản xuất ô tô có số lượng xe bán ra đứng hàng top 5 trên thị trường cho hay, để chuẩn bị cho thời điểm ngày 1/1/2017, doanh nghiệp đã phải chuẩn bị ít nhất là nửa năm và tiến hành đặt hàng các động cơ theo tiêu chuẩn Euro 4 từ cách đây 3 tháng.

“Chỉ có doanh nghiệp ô tô làm mà không có nhiên liệu tương ứng để chạy thì chả có nghĩa gì về tiêu chuẩn Euro 4”, và cho biết, đang xem xét hủy một số đơn hàng động cơ Euro 4 đã đặt dù phải chịu thiệt hại nhất định, bởi khi nhập về lắp cho ô tô mà không có nhiên liệu sạch thì sau này còn mệt nữa. “Cứ nói chính sách ổn định song thực tế lại không triển khai như lộ trình đặt ra, làm doanh nghiệp cứ mệt mỏi chạy theo”, đại diện doanh nghiệp nói.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh:  Thương mại qua biên giới còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; Ba tháng chưa dán xong nhãn năng lượng cho một động cơ; Hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo: Cơ chế giá chưa đủ hấp dẫn; Giá xăng dầu đồng loạt giảm hơn 500 đồng/lít từ 15h ngày 19/11.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Thương mại qua biên giới còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Chỉ số thương mại qua biên giới là 1 trong 10 chỉ số đánh giá mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam đã tăng 15 bậc. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn chưa đạt mục tiêu yêu cầu của Nghị quyết 19 năm 2016 của Chính phủ. 


Trong 3 năm qua, Chính phủ tập trung nhiều giải pháp để cải cách chỉ số thương mại qua biên giới, tuy nhiên kết quả vẫn chưa như mong muốn.Không chỉ có điểm nghẽn trong kiểm tra chuyên ngành, các quy định chưa hợp lý trong các văn bản pháp luật có liên quan cũng đang làm trì trệ sự cải thiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, từ đó, trì trệ trong cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới.

2. Ba tháng chưa dán xong nhãn năng lượng cho một động cơ. Trên nhiều báo đưa tin: Góp ý với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) liên quan đến vấn đề đơn giản thủ tục dán nhãn năng lượng, Phòng TM-CN VN (VCCI) cho biết, một doanh nghiệp ở phía nam chỉ nhập 1 cái động cơ điện để phục vụ sản xuất nhưng phải mang ra tận Hà Nội để kiểm tra, thời gian kéo dài đến 3 tháng vẫn chưa xong. 


Lý do, theo phản ánh của DN, việc thử nghiệm hiệu suất năng lượng mặt hàng động cơ được Bộ Công Thương chỉ định duy nhất cho TT kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1). Thế nhưng Quatest 1 không làm được việc này, phải nhờ Nhà máy động cơ Việt - Hung (Đông Anh, Hà Nội) thực hiện, gây rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí cho các DN nói chung.

Do đó, VCCI kiến nghị, Thông tư sửa đổi, bổ sung cần tập trung sửa đổi các quy định có liên quan về trình tự, thủ tục thử nghiệm, dán nhãn để giảm các chi phí không cần thiết, tạo gánh nặng và tăng chi phí cho DN.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết đang cân nhắc gỡ bỏ quy định dán nhãn năng lượng với các phương tiện thiết bị nhập khẩu.

3. Hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo: Cơ chế giá chưa đủ hấp dẫn. Chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ban hành tới gần năm nay, nhưng theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì những quy định, cơ chế hỗ trợ hay yêu cầu được đưa ra vẫn rất xa rời thực tiễn. 


Ông Đặng Đình Thống, Phó viện trưởng Viện Năng lượng sạch VN cho biết hoạt động khảo sát, tìm kiếm địa điểm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời hiện nay đang rất sôi động.Tuy nhiên, tâm lý của hầu hết các nhà đầu tư là chờ đợi cơ chế giá điện nên đến nay có rất ít các dự án năng lượng tái tạo bán điện cho EVN. Ông Thống cho rằng chính sách phát triển năng lượng tái tạo hiện mới chỉ được xây dựng ở từng khu vực và một số lĩnh vực như điện gió, nên chưa tạo ra được hành lang pháp lý đồng bộ thu hút doanh nghiệp tham gia.

Đại diện Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết, để giải quyết bài toán về giá, giảm áp lực tăng giá điện, trong thời gian tới sẽ thành lập quỹ phát triển năng lượng tái tạo. Chưa có mô hình cụ thể về quỹ này, nhưng nguồn quỹ sẽ lấy một phần từ ngân sách; chi phí môi trường mà các doanh nghiệp điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đóng góp và các nguồn huy động khác.

4. Giá xăng dầu đồng loạt giảm hơn 500 đồng/lít từ 15h ngày 19/11. Liên bộ Tài chính - Công Thương đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. 


Cụ thể, giá xăng RON 92 giảm 521 đồng/lít, xăng E5 giảm 355 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S giảm 514 đồng/lít, dầu hỏa giảm 578 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 373 đồng/kg. Mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng dầu sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên, sẽ điều chỉnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đều ở mức 0 đồng (kỳ trước mức chi xăng khoáng 600 đồng/lít; xăng E5 600 đồng/lít, dầu diesel là 219 đồng/lít và dầu hỏa 114 đồng/lít). 

Đây là lần giảm giá đầu tiên sau nhiều lần xăng tăng liên tiếp trong suốt 2 tháng qua.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)