Quyền tổ chức và thương lượng tập thể có thể được thiết lập ở nhiều cấp độ với mức độ cụ thể hóa khác nhau.
Tuy nhiên, cơ bản nhất và phổ biến nhất là những nội dung được nêu trong Công ước số 87 và Công ước số 89 của ILO. Những nội dung cơ bản này thể hiện trong các điểm chính sau:
Công ước số 87
Điều 2. Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, có quyền được thành lập và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình mà không phải xin phép trước, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó.
Điều 3.1. Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ và quy tắc, bầu đại diện, tổ chức việc điều hành, tổ chức các hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình.
Điều 5. Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền thành lập và gia nhập các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.
Điều 8.1. Khi thực hiện những quyền được quy định trong Công ước này, người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức tương ứng của họ, cũng như mọi người và mọi tập thể có tổ chức khác, đều phải tôn trọng pháp luật quốc gia.
Điều 11. Mọi Thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế mà tại đó Công ước này có hiệu lực, cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết và thích hợp để bảo đảm rằng người lao động và người sử dụng lao động có thể tự do thực hiện quyền được tổ chức.
Công ước số 98
Điều 1
1. Người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước những hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ.
2. Sự bảo vệ đó phải được áp dụng trước hết đối với những hành vi nhằm:
a) làm cho việc làm của người lao động phụ thuộc vào điều kiện là người đó không được gia nhập công đoàn hoặc phải từ bỏ tư cách đoàn viên công đoàn;
b) sa thải hoặc gây tổn hại cho người lao động với lý do là đoàn viên công đoàn, hoặc tham gia các hoạt động công đoàn ngoài giờ làm việc hoặc với sự đồng ý của người sử dụng lao động trong giờ làm việc.
Điều 2
1. Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia hoặc của những phái viên hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.
2. Cụ thể, những hành vi được coi là can thiệp theo định nghĩa của Điều này, là những hành vi nhằm thúc đẩy việc thành lập tổ chức của người lao động do người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động chi phối, hoặc nhằm hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính hay bằng những biện pháp khác, với ý đồ đặt các tổ chức đó dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động.
Điều 3. Nếu cần thiết, phải thiết lập bộ máy phù hợp với điều kiện quốc gia, để đảm bảo cho việc tôn trọng quyền tổ chức đã được xác định trong các điều trên.
Điều 4. Nếu cần thiết, phải có những biện pháp phù hợp với điều kiện quốc gia để khuyến khích và xúc tiến việc xây dựng và tận dụng đầy đủ các thể thức thương lượng tự nguyện giữa một bên là người sử dụng lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động với một bên là các tổ chức của người lao động, nhằm quy định những điều khoản và điều kiện về sử dụng lao động bằng thỏa ước lao động tập thể.
Tuyên bố năm 1998 của ILO
Tuyên bố rằng tất cả các Thành viên, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các Công ước này, đều có nghĩa vụ, với tư cách là thành viên của Tổ chức phải tôn trọng, thúc đẩy và hiện thực hóa một cách có thành ý phù hợp với Điều lệ, các nguyên tắc liên quan tới các quyền cơ bản và là nội dung của các Công ước, bao gồm:
(a) tự do liên kết và thừa nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể;
(b) xóa bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc;
(c) xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em; và
(d) xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
* Các cấp độ xác lập quyền tổ chức và thương lượng tập thể
Về hình thức quyền tổ chức và thương lượng tập thể có thể được xác lập ở nhiều cấp độ khác nhau:
- Các công ước quốc tế: Quyền tổ chức và thường lượng tập thể được quy định trong cặp công ước cơ bản là Công ước số 87 (1948) và Công ước số 89 (1949) của ILO. Sau đó, được Hội nghị Lao động Quốc tế của ILO nhắc lại trong Tuyên bố năm 1998 rằng tất cả các nước thành viên ILO dù phê chuẩn hay chưa phê chuẩn cũng phải có trách nhiệm thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản này.
- Các hiệp định thương mại tự do (FTA): Các FTA thế hệ mới thường viện dẫn nội dung Tuyên bố năm 1998 như là một trong những điều khoản cơ bản đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng dựa trên nền tảng chi phí đạo đức công bằng. Các hiệp định thương mại tự do TPP và EVFTA đều viện dẫn Tuyên bố này.
- Các bộ quy tắc ứng xử (CoC): Các bộ quy tắc ứng xử được coi như những tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh toàn cầu mà doanh nghiệp phải thực hiện. Các tiêu chuẩn này xuất phát từ thiện ý của người tiêu dùng nhằm đảm bảo cho những NLĐ tham gia chuỗi cung ứng được đối xử công bằng thông qua việc đảm bảo các quyền lao động. Ngoài 8 Công ước cơ bản các CoC thường viện dẫn thêm nội dung của các công ước khác, chẳng hạn: thù lao lao động; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; kỷ luật lao động,…
- Luật pháp quốc gia: Luật pháp quốc gia phải phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, trong đó đặc biệt là: nghĩa vụ thành viên ILO, các Công ước quốc tế đã phê chuẩn và các FTA đã ký kết. Do đó, luật pháp quốc gia đóng vai trò triển khai và đảm bảo thực hiện các quyền lao động mà quốc gia đó đã cam kết hoặc có nghĩa vụ phải thực hiện.
- Thỏa ước lao động tập thể: Trên cơ sở luật pháp quốc gia các tổ chức đại diện của NLĐ và NSDLĐ tiến hành thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể xác lập những quyền lao động cụ thể phù hợp với điều kiện lao động đặc thù ở từng ngành, từng doanh nghiệp.
- Hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động cá nhân không được trái với pháp luật và thỏa ước lao động tập thể. Hợp đồng lao động xác lập các quyền lao động đối với cá nhân NLĐ, NSDLĐ trong QHLĐ tại nơi làm việc.
* Cơ chế thực thi và đảm bảo quyền lao động
Các cơ quan xác lập quyền lao động đều có cơ chế để đảm bảo thực thi quyền lao động mà mình đã xác lập. Tuy nhiên, tất cả các quyền lao động cuối cùng đều được triển khai tại nơi làm việc. Vì vậy, các quyền lao động chỉ có ý nghĩa và được thực thi hiệu quả nếu có sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên ngay tại nơi làm việc. Việc giám sát đó không ai làm tốt hơn chính NLĐ và tổ chức đại diện của họ trong doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc thành lập nên các tổ chức đại diện thực sự của NLĐ tại nơi làm việc vừa là quyền của NLĐ nhưng cũng vừa là cơ chế để đảm bảo thực thi hiệu quả các quyền lao động khác.
CIRD